Search
Thứ 6, 23/12/2016, 09:40 AM

Cảnh giác với đường cát không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ

Cảnh giác với đường cát không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ

Đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bày bán tràn lan, gây cho người e ngại khi sử dụng vì nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe

 

Tại TP.HCM, trong thời gian gần đây, đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ với nhiều mau sắc khác nhau được bày bán khá phổ biến. Những loại đường này được bày bán tại khu vực chợ Bình Tây, chợ Xóm Vôi, đường Phan Văn Khỏe, đường Chu Văn An…thuộc địa bàn Q.6.

Trong vai một người cần đi mua một số lượng lớn đường cát vàng, Chất lượng Việt Nam đã đến khu bán sỉ đường nằm trên đường Phan Văn Khỏe, Q.6.

Tiểu thương tên Khánh nói, các loại đường cát như vậy thường hay dùng để nấu chè, bán cho khách ăn sẽ rất là ngon. Giá bán là 240.000 đồng cho một cây đường (để trong bao) loại 12kg, không bán lẻ từng kg cho khách. Bao bì thì cũng không in rõ là nơi nào sản xuất loại đường này.

Khi chúng tôi đề cập đến loại đường màu như vậy, đã có ai kiểm định hay chưa, vì màu sắc nhìn rất bắt mắt, đa số người bán đều khẳng định: Đây là khu chợ bỏ mối rất nhiều năm, chưa thấy ai kêu bị gì, còn cũng chẳng thấy ai kêu mang đường này đi kiểm định.

Cảnh giác với đường cát không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ

 Đường cát nhuộm màu đẹp mắt được bày bán tràn lan ở các chợ.

Bà Trần Thị Ly, chủ một sạp bán đường đã 15 năm buôn bán ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, công nghệ chế biến đường vàng thường được làm theo dạng rất thủ công. Chế nước màu vào trộn đều, đường sẽ vàng và cân nặng hơn.

“Còn không thì mua đường trắng với số lượng rất lớn về, cho vào hóa chất rồi phun nước trộn đều lên thì sẽ cho ra đường vàng. Thông thường, người tiêu dùng sẽ nghĩ đường này sẽ ít hóa chất hơn là đường tinh luyện, nhưng trên thực tế thì lại hoàn toàn trái ngược. Đôi khi, chính người bán cho cả người mua, nhưng không phải ai cũng nghe theo” – bà Ly nói tiếp.

Các phẩm màu thường hay dùng để "làm đẹp" đường được bày bán rất tràn lan tại khu chợ hóa chất Kim Biên nổi tiếng. Có 2 dạng là bột và nước. Nếu dùng dạng bột thường có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, còn dạng nước là từ 50.000 – 60.000 đồng/kg.

Các loại phẩm màu để chế biến đường ra màu như ý muốn thường có giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg.

ThS Lê Văn Trung, một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm) tại TP.HCM cho rằng, việc dùng các loại phẩm màu, hóa chất công nghiệp dùng để "làm đẹp" đường là điều cấm kỵ trong thực phẩm.

Bởi lẽ, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây độc hại cho cơ thể của người sử dụng. Nếu các chất này tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ra rất nhiều bệnh khó chữa, thậm chí, hệ vi sinh có lợi trong đường ruột của con người sẽ bị tiêu diệt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ bị là điều khó tránh khỏi.

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi Cục phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM cho biết, nếu sử dụng phẩm màu công nghiệp cấm sử dụng trong thưc phẩm, mà cho vào đường thì có thể có hại. Thế nhưng, muốn biết có hại thế nào, mức độ đến đâu, BS Huỳnh Mai khẳng định, cần phải đưa đi phân tích thì mới biết được. 

Các loại phụ gia, hay kể cả phẩm màu dùng trong thực phẩm thì cần phải được tuân theo những quy tắc riêng, độ tinh khiết riêng mà các nhà máy đường đặt ra. Chính vì thế, các đơn vị sản xuất cần phải tuân thủ tuyệt đối các tỷ lệ này được đặt ra từ trước.

Người tiêu dùng hoàn toàn không nên chọn các loại đường có màu sắc đẹp mắt, do các đường này chắc chắn là đã được nhuộm màu.

Ngoài ra, còn một cách nhận biết về đường nữa là có thể để ở ngoài nắng, nếu thấy đường óng ánh bất thường thì chắc chắn đường này có chứa nhiều axit, hoàn toàn không nên sử dụng.

Chính vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyến cáo, cũng như nhiều loại thực phẩm khác, người tiêu dùng nên chọn mua các loại sản phẩm đường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ghi trên bao bì để an tâm về mặt chất lượng, tránh mua những sản phẩm mà không biết nó được sản xuất từ đâu.

Theo Vietq



0.20905 sec| 1462.578 kb