Chuối là loại quả có thành phần của hầu hết những vi chất cần thiết cho sự biến dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, chuối có thể điều hòa hoạt động của hệ thần kinh...
Chuối là loại quả có thành phần của hầu hết những vi chất cần thiết cho sự biến dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, chuối có thể điều hòa hoạt động của hệ thần kinh và làm giảm nguy cơ những bệnh về tim mạch do hàm lượng Potassium tự nhiên rất cao có trong chuối. Chuối có tác dụng giảm sưng, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tiểu đường type II, hỗ trợ giảm cân, tăng cường hệ thống thần kinh nhờ hàm lượng vitamin B-6 cao. Chuối còn được biết đến là một loại thực phẩm bổ máu và làm giảm bệnh thiếu máu bằng nguồn sắt có trong chuối.
Trong chuối có carbohydrate hấp thụ nhanh và carbohydrate hấp thu chậm. Trong những hoạt động thể lực kéo dài khi năng lượng bị hao hụt nhiều, cơ thể phải huy động đến lượng đường trong máu để cung cấp cho cơ bắp.
Những trường hợp này, đường glucose trong chuối được hấp thụ nhanh vào máu có thể bổ sung tức thì lượng đường bị hao hụt giúp vận động viên phục hồi sau khi vận động mệt mỏi. Đường fructose trong chuối được hấp thụ chậm hơn.
Ngoài ra, chuối còn những carbohydrate khác được chuyển hóa chậm và phóng thích đường vào máu từ từ có thể đáp ứng cho những hoạt động thể lực kéo dài hàng giờ sau đó.
Đặc biệt, tỉ lệ Potassium cao trong chuối còn liên quan đến trương lực cơ có khả năng làm giảm nguy cơ vọp bẻ ở vận động viên. Do đó, người ta khuyên chuối nên được chọn trong số những thức ăn nhanh cho vận động viên trước, trong và sau những buổi tập.
Nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau đã đưa đến kết luận giống nhau về tác động của chuối xanh đối với các bệnh nhân loét dạ dày, tá tràng.
Người ta đã sử dụng những loài chuối khác nhau, chuối khô, chuối bột, chuối xanh, chuối chín, đồng thời với những nhóm đối chứng không dùng chuối. Kết quả cho thấy, chuối xanh được phơi khô ở nhiệt độ thấp có khả năng kích thích sự tăng trưởng của lớp màng nhầy ở thành trong của dạ dày. Những tế bào sản xuất chất nhầy được tăng sinh, lớp màng nhầy dày lên để bảo vệ thành dạ dày tránh khỏi bị loét và còn hàn gắn nhanh chóng những chỗ loét đã hình thành trước đó.
Những thí nghiệm này cũng xác định những loại chuối được phơi khô ở nhiệt độ cao, hoặc chuối chín không có tính năng này. Kết quả này cũng phù hợp với kinh nghiệm dân gian dùng chuối xanh phơi khô tán bột để trị bệnh loét dạ dày.
Điều đáng lưu ý là khoa học đã xác định chuối phơi khô ở nhiệt độ thấp tức kỹ thuật phơi âm can (phơi trong bóng râm) của y học cổ truyền. Cách phơi khô trực tiếp dưới ánh mặt trời hoặc sấy ở nhiệt độ cao sẽ làm chuối mất đi tác dụng chữa bệnh này.
Chuối chín chữa bệnh táo bón và ngăn ngừa ung thư ruột già. Thịt chuối chín mềm, mịn nhưng lại chứa nhiều chất xơ không hòa tan. Chất xơ không được tiêu hoá tạo thành chất bã hấp thu nước và kích thích nhu động ruột nên có tác dụng chống táo bón rất tốt.
Mặt khác, việc kích thích nhu động ruột sẽ thúc đẩy nhanh sự lưu thông trong ruột già làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất độc hại hoặc có khả năng gây ung thư với niêm mạc ruột. Chất xơ còn có thể hòa quyện, kết dính những chất độc hại này để bài tiết theo phân ra ngoài. Do đó, ăn chuối hàng ngày có thể giúp bảo vệ niêm mạc ruột phòng ngừa nhiều chứng bệnh ở ruột già.
Theo Nongnghiep.vn