Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tại Quốc hội sáng qua 1.11, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân- Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá: “Có thể dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của rau, quả và hoa sẽ đạt khoảng 9 -10 tỷ USD/năm, con số này còn cao hơn xuất khẩu dầu thô lúc tốt nhất”.
Xung quanh nhận định này, trao đổi với NTNN/Dân Việt về mục tiêu năm 2022 xuất khẩu rau quả và hoa đạt 9-10 tỷ USD, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều rất tin tưởng vào nhận định “giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ vượt dầu thô lúc xuất khẩu tốt nhất”.
Nhu cầu rau củ ngày càng tăng
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng xã hội càng phát triển, thì người tiêu dùng càng có xu hướng tăng tỉ lệ rau củ quả trong thực đơn hàng ngày. Ngay cả Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng xác nhận rằng, không phải thịt, cá hay các loại cao lương mỹ vị mà rau củ quả chính là “thực phẩm vĩnh cửu của loài người”. Nhu cầu thị trường đối với rau củ quả sẽ ngày càng tăng cao...
Thu hoạch xoài ba màu ở huyện Chợ Mới, An Giang. Ảnh: NGỌC TRINH
Riêng đối với ngành trái cây Việt Nam, sự phong phú về chủng loại là một ưu điểm lớn, đáp ứng được khẩu vị của rất nhiều nhóm khách hàng. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có thêm sản phẩm chuối tươi tham gia xuất khẩu, được bày bán ở siêu thị Nhật; trái thanh long tươi xuất khẩu sang Úc… mở ra triển vọng thị trường mới cho rau củ quả.
“Từ việc một doanh nghiệp xuất khẩu chuối vào Nhật với giá cao, có thể thấy, trái cây Việt Nam, từ những loại quả đơn giản nhất đến các sản phẩm sang trọng hơn, đều có khả năng xuất khẩu, mang về ngoại tệ” - bà Mai nhận định.
Sức hút của ngành rau củ quả thể hiện rõ nhất ở việc nhiều doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời, Trường Hải… đã nhảy vào lĩnh vực này. Mới đây, một doanh nghiệp trước đến nay chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nước khoáng thiên nhiên, nhựa, may mặc… như Minh Hưng Group cũng cho biết sắp tới đầu tư vào ngành trái cây. Doanh nghiệp này sẽ bắt đầu bằng việc tìm kiếm giải pháp xử lý dịch hại trên cây trồng nhưng không tồn dư các chất độc hại trên sản phẩm, từ đó tạo ra vùng nguyên liệu sạch cho xuất khẩu.
Với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – HNG), báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017 vừa công bố, trái cây là mặt hàng đóng góp chính vào nguồn thu trong quý vừa qua của doanh nghiệp này, với 450 tỷ đồng.
Về hai sản phẩm trái cây xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và nhãn, TS Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, hiện Việt Nam đã có quy trình trồng tốt, tập trung với diện tích lớn. Việc rải vụ được Bộ NNPTNT chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua nên ta có sản phẩm quanh năm. Đây cũng là mặt hàng bán sang thị trường khó tính được nhiều nhất như Mỹ, châu Âu…
Muốn thắng phải… làm ăn lớn!
Dù được đánh giá là sản phẩm có thể xuất khẩu mang về ngoại tệ vượt cả dầu thô lúc tốt nhất, trái cây Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, do diện tích vườn thường nhỏ lẻ, vườn cây già cỗi, nông dân sản xuất theo phương thức truyền thống nên chất lượng không đồng đều…
Mới đây, trong “ngày vui” của thanh long tươi Việt Nam khi có thêm thị trường Úc - một thị trường rất khó tính, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn cần thêm nhiều biện pháp phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ cũng như phát triển khâu chế biến thì mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ thanh long nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, cho rằng việc thanh long tươi Việt Nam được thị trường Úc chấp nhận mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm này. Thị trường Úc xưa nay vốn rất “khó tính” nên khi vào được sẽ giúp thanh long Việt Nam được đánh giá cao hơn ở các thị trường khác.
Số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 10 năm 2017 ước đạt 209 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam. Riêng giá trị xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản, UAE và Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 66%, 58% và hơn 53%. |
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc vận chuyển thanh long tươi sang Úc có phần khó khăn, nếu đi bằng đường biển phải tốn đến 25 ngày trong khi vận chuyển sang Mỹ bằng đường biển cũng chỉ tốn 17 ngày. Còn nếu vận chuyển bằng đường hàng không sẽ đẩy giá thành lên cao. Cụ thể, giá cước vận chuyển thanh long tươi bằng đường hàng không hiện ở mức 2,2USD/kg, rất khó để doanh nghiệp có giá cạnh tranh được.
“Việc vận chuyển xa gây ra các rủi ro về chất lượng sản phẩm, ví dụ như trái vải xuất khẩu vào Úc. Năm rồi một số doanh nghiệp tham gia nhưng kết quả không khả quan, vì vận chuyển sang đến nơi, vải bị hư hỏng nhiều” - ông Tùng nói. Hay như với trái nhãn, để mở rộng vùng nguyên liệu để xuất khẩu, mới đây, doanh nghiệp của ông Tùng đã chọn sản phẩm nhãn sông Mã (Sơn La) để chào lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ.
Theo ông Tùng, nếu như trước đây, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn sang Mỹ nhiều nhưng là giống idol, tương tự như sản phẩm của các nước và không có gì nổi bật, khác biệt như nhãn sông Mã. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện chỉ có trái theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có khoảng 45 ngày, trồng trên vùng đồi núi các tỉnh phía Bắc. Do đó, sản lượng xuất khẩu còn rất hạn chế.
Còn theo TS Võ Mai, trái cây là mặt hàng có chênh lệch giữa giá bán của người nông dân và giá bán lẻ lớn nhất. Cấu thành của chuỗi giá trị trái cây chủ yếu rơi vào khâu phân phối trong khi nông dân chỉ nhận được từ 10 – 25% giá trị so với giá bán cuối cùng.
Ngược lại, những doanh nghiệp đầu tư bài bản với quy mô diện tích, sản lượng lớn, đồng thời được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, kích cỡ đồng đều. “Mà đồng đều là yêu cầu rất cần thiết cho sản phẩm trái cây xuất khẩu, không thể xuất khẩu một thùng xoài mà trái 1kg, trái có 3 lạng…” - TS Võ Mai nhận định.
Sạch, ngon, đẹp mới dễ vào nước bạn Ông Lê Văn Hoa (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), người được mệnh danh là “vua” bưởi da xanh ruột hồng, chia sẻ: Xuất khẩu trái cây có chiều hướng tăng, đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cũng không vì vậy mà chúng ta chủ quan. Vì thực tế tình hình sản xuất trái cây của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, sản phẩm làm ra vẫn chưa chú ý nhiều đến mẫu mã, chất lượng.
Sản phẩm vải thiều Bắc Giang có nhiều tiềm năng về xuất khẩu. K.B Mẫu mã trái cây là một yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi sản phẩm được xuất khẩu đi nước ngoài thì chắc chắn lợi nhuận mang lại cho nông dân sẽ cao lên. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của nông dân, trong sản xuất trước tiên mình phải ưu tiên làm ra những sản phẩm chất lượng, có như thế thì mới ngày càng có thêm nhiều sản phẩm của nông dân đạt chuẩn xuất khẩu. Còn ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Chứng nhận VietGAP và các chứng nhận sạch khác là tiền đề để trái cây được xuất khẩu. Tại Sóc Trăng, ngành nông nghiệp rất quan tâm vấn đề này, tại các địa phương đều có các sản phẩm trái cây chủ lực, từ đó chú trọng xây dựng, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng hướng. Hiện nay, đã có các sản phẩm như bưởi da xanh, cam mật tại một số hợp tác xã đã được chứng nhận VietGAP, tới đây sẽ có thêm sản phẩm cam sành. “Chúng tôi luôn định hướng rằng, việc xây dựng trái cây đạt chuẩn phải kèm với kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, không làm tràn lan. Thực tế, đã có những nơi xây dựng vùng trái cây VietGAP nhưng lại bỏ qua khâu tiêu thụ, khiến nông dân làm được một thời gian thì dừng” - ông Vân nói. Chúc Ly |
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp: Đẩy mạnh hợp tác, liên kết thị trường Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã dồn tâm huyết thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó đã hỗ trợ rất nhiều người dân, HTX và doanh nghiệp trong việc đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết thị trường. Để đề án trên đạt được hiệu quả cao, tỉnh Đồng Tháp cũng đã lập ra 17 hội quán nông dân để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ trái cây, rau nói riêng và nông sản nói chung. Đến nay, tỉnh đã có 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và có mặt trên thị trường quốc tế như: Trái xoài được tiêu thụ ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Nga; trái nhãn đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trái chanh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; sản phẩm ớt Thanh Bình đã có mặt tại các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia… GS - TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ: Người tiêu dùng quan tâm về nguồn gốc, chứng nhận... Do mức sống ngày càng cao nên chuẩn tiêu dùng của người dân các nước trên thế giới có nhiều thay đổi. Khi mua sắm, họ rất quan tâm tìm chọn những sản phẩm chất lượng an toàn, có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng. Để đáp ứng yêu cầu trên, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, vài năm gần đây, nhiều nông dân ĐBSCL chọn cách sản xuất trái cây, rau theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Theo đó, cũng đã có nhiều lô hàng được các nước nhập khẩu chấp thuận. Đây là một trong những lý do năm 2017, xuất khẩu trái cây của vùng tăng lên, người dân có thu nhập cao, nhất là cao hơn cả lúa. Về lâu về dài, người dân cần phát huy tinh thần này, phải biết làm cho vườn của mình sạch để khi sản phẩm xuất đi phân tích ra không thấy có chất cấm trong đó. Về phía cơ quan chức năng phải khuyến cáo, định hướng cho nông dân quy trình khoa học trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế và ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại thuốc được Nhà nước cho phép trong danh sách mà quốc tế công nhận. Ông Huỳnh Thanh Bá - Phó Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp): Đắt khách khi trồng xoài theo tiêu chuẩn an toàn Hiện nay HTX có 24 xã viên với trên 40ha xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. HTX có thể cung cấp ra thị trường 800 tấn xoài các loại mỗi năm. Kể từ khi chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn an toàn, vùng trồng xoài nơi đây luôn nhộn nhịp đón các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước đến tìm hiểu, ký hợp đồng thu mua với giá bán cao, ổn định. Nhiều nhà vườn trồng xoài sau khi mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất đã có thể tự tin khoe những quả xoài ngon, ngọt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong xuất khẩu, có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa “tiếng lành” trái cây Đồng Tháp ngày một vươn xa. Hiện HTX đang ngày càng mở rộng quy mô hoạt động. |
Theo danviet