Nếu ai chưa đến cao nguyên đá, chưa được tận mắt chứng kiến người dân canh tác trên đá thì thật khó có thể tưởng tượng nổi người nông dân nơi đây phải vất vả và tốn nhiều mô hôi đến mức nào. Đó là một cuộc mưu sinh không giống bất cứ nơi đâu. Bao đời nay, đồng bào có câu nói “Sống trên đá, chết vùi trong đá”.
Dân ca Mông lại có câu: Loài cá sống ở nước/ Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi. Với ¾ diện tích là núi đá, quanh năm hạn hán, sản xuất đều trông vào nước trời, cộng thêm do ở trên cao, xa khu dân cư nên việc chăm bón, thu hoạch không mấy dễ dàng.
Với những nương đá khô cằn và xương xẩu ấy, ngoài cây ngô và cây tam giác mạch ra thì hiếm loài cây nào có thể thích nghi và sinh trưởng mạnh như thế, nó cũng kiên cường, mãnh liệt như chính con người nơi đây.
Cha cõng con đi cày trên đá.
Ngô được trồng thành từng cụm, mỗi gốc có 3 cây mọc chen nhau nhưng vẫn xanh tốt mỡ màng, che bớt đi màu xám xịt đặc trưng của đá tai mèo. Vào bất cứ một gia đình nào trên cao nguyên đá cũng đều thấy ngô được chất đầy trên những gác nhà, gác thềm. Và bữa ăn hàng ngày với bà con chính là món mèn mén được chế biến từ hạt ngô để thay cơm gạo.
150 km từ TP Hà Giang đi qua các huyện vùng cao nguyên đá gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc như chìm vào một “rừng đá” lạnh lẽo đến ngợp trời màu xám xịt. Đá tai mèo lô nhô bốn bề và sắc nhọn như có thể đâm nát chân người bất cứ lúc nào. Ấy thế mà những nương ngô vẫn vươn mình tươi tốt để mang lại màu xanh, sự sống cho miền cao nguyên “khát”.
Chính màu xanh ấy đã phần nào xua đi cái khô cằn, gai góc vốn đã vô cùng khắc nghiệt nơi biên viễn. Bao đời nay bà con vẫn gắn bó, bám trụ với mảnh đất biên cương. Có lẽ khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc như thôi thúc đồng bào mạnh mẽ vươn mình lên trong rừng đá.
Tại cao nguyên đá Hà Giang, vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp, bà con rẫy cỏ, xếp đá làm hàng rào. Đối với những bãi đất nhỏ, bằng phẳng thì dùng cày, bừa cho đất tơi xốp. Còn với những hốc đá trên cao thì phải gùi đất đổ vào, chỉ cần gieo hạt ngô, hạt bí hay đậu cô ve xuống rồi chờ những cơn mưa chúng sẽ nảy mầm.
Cô gái người Lô Lô sau khi thu hoạch ngô trở về.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, một mặt vì đá thì nhiều, còn đất lại có hạn, mặt khác nguồn nước tưới khó bảo đảm chủ yếu chờ vào nước trời.
Để làm nương rẫy người vùng cao ở Hà Giang thường có tập quán đổi công, tức là các gia đình xung quanh tập trung làm đất, trồng trọt, thu hoạch giúp nhau luân phiên. Vào mỗi vụ mùa, nhà này làm giúp nhà kia xuống hạt, cười nói rôm rả cả một vùng. Trồng hết rẫy nhà này, họ lại sang rẫy nhà khác. Nhờ thế, cuộc mưu sinh trên đá của đồng bào cũng bớt đi sự cơ cực và cô đơn.
Vào mùa thu, khi gió heo may tràn về, cũng là lúc người dân cao nguyên đá bước vào mùa vụ thu hoạch. Khi những bắp ngô được xếp ngay ngắn trong và trên gác bếp cũng là lúc đồng bào chuẩn bị cho một mùa lễ hội cơm mới và cưới xin, làm nhà. Những hạt ngô ấy chính là nguồn năng lượng dồi dào cho những bước chân và sức sống mãnh liệt của người dân cao nguyên đá.
Theo Đông Khánh (Báo Công an Nhân dân)