Từng là ngư dân giỏi. Từng lênh đênh trên con tàu nhỏ suốt 10 ngày vượt biên sang tận Hong Kong (Trung Quốc) sống “dật dờ” 3 năm. Nhưng, tình yêu quê nhà đã đưa ông Thụ hồi hương và phấn đầu trở thành Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt (Quảng Trị).
Ở đất miền Trung, không ai không biết danh tiếng của ông Võ Văn Thụ. Ở tuổi 50, ông Thụ là Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Khác với nhiều vị giám đốc có bề ngoài khác, ông Thụ có gương mặt rám nắng, thường mặc đồng phục, xắn tay áo say mê làm việc với công nhân ở công trường.
Ngư dân trình độ lớp 9
Là con thứ 4 trong gia đình nghèo 8 chị em, gắng đến lớp 9, ông Thụ nghỉ học rồi trở thành ngư dân có tiếng. Năm 1986, ông Thụ tham gia quân ngũ, đi tàu hậu cần vận tải đến đảo Cồn Cỏ. Đến năm 1989 ông Thụ xuất ngũ rồi lập gia đình.
Ông Võ Văn Thụ, Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt (trái) cùng ông Lê Phúc Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.
Một năm sau, thấy người dân trong vùng có phong trào vượt biên sang Hong Kong, vợ chồng ông Thụ cùng 7 người khác ở địa phương cũng mạo hiểm lên tàu cá nhỏ lênh đênh giữa biển hơn 10 ngày mới tới nơi. “Thời đó còn trẻ dại, thấy người ta bảo vượt biên tìm kế làm ăn thì đi theo chứ biết gì đâu, may mà còn sống” – ông Thụ nhớ lại.
Năm 1991, ông Thụ có đứa con đầu lòng. Suốt 3 năm gia đình ông Thụ sống trong trại tị nạn ở Hong Kong cùng hàng ngàn người khác. Thấy tương lại mịt mù cùng nỗi nhớ quê hương da diết, ông Thụ quyết định trở lại cố hương. Ai hỏi cuộc sống ở nước ngoài ra sao, ông Thụ chỉ nói: “Chẳng nơi nào tốt hơn quê hương xứ sở”.
Trở về quê hương khi cơ chế chính sách nhà nước mở cửa, nhiều ngư dân đã vay vốn đóng tàu sắm ngư lưới cụ để đánh bắt hải sản, thu nhập cao. Gia đình ông Thụ cũng được vay vốn ưu đãi đối với những người hồi hương và sắm 1 con tàu đánh cá vươn khơi bám biển.
Những con tàu sắt do công ty ông Thụ đóng và hạ thủy đảm bảo chất lượng. Ảnh: Ngọc Vũ.
Đối với phương tiện tàu thuyền hàng năm cần phải lên đà để duy tu bảo dưỡng sửa chữa đảm bảo đủ điều kiện sản xuất. Tại thời điểm đó, trong vùng chỉ có một cơ sở sửa chữa nhỏ nhưng không đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn tàu thuyền.
Để tiện lợi, năm 1993 ông Thụ mua máy tời, làm đà kéo tàu lên bãi đất trống gần nhà để sửa chữa tàu của mình. Ngờ đâu, thấy hay nên ngư dân trong vùng đến nhờ, ông vui vẻ nhận lời.
Ngư dân đóng tàu ngày càng nhiều, sửa chữa, bảo dưỡng tàu chắn chắn là nghề bền vững trong tương lai. Nghĩ vậy, ông Thụ đem chuyện bàn bạc với gia đình tìm hướng đi. Chỉ học hết lớp 9, trình độ kĩ thuật, kỹ năng còn khiêm tốn nên khi nghe ông Thụ đưa ý tưởng mở nghề sửa chữa tàu thuyền, mọi người tỏ ra ái ngại. Thế nhưng, ông Thụ đã hạ quyết tâm. Năm 1994, với vốn tự có và vay mượn tổng cộng được 170 triệu đồng, ông Thụ mua sắm máy móc hành nghề sửa chữa tàu thuyền bán thời gian.
Ông Võ Văn Thụ thường lên mạng tìm hiểu, tham khảoi mẫu tàu mới để có thể áp dụng tại công ty. Ảnh: Ngọc Vũ.
“Trời đen trăng tôi cùng cha và các anh vươn khơi đánh bắt. Khi sáng trăng không đi biển, ai có nhu cầu thì tôi kéo tàu lên cào hà, sơn màu lại… gọi là bão dưỡng sơ cấp” – ông Thụ kể.
Giám đốc nông dân
Thấy công việc ổn định, năm 1997 ông Thụ nghỉ hẳn việc đi biển, thuê thợ giỏi về làm cùng mình rồi thành lập HTX Việt Long sửa chữa tàu thuyền. Năm 1999, Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, ông Thụ được vay 650 triệu đồng nên cùng anh rể thành lập công ty sửa chữa tàu thuyền Gio Việt. Với dáng vẻ mộc mạc, dễ gần, ông Thụ được bà con gọi thân thiết là “giám đốc nông dân”.
Thời điểm đó, nhiều tàu cá của các tỉnh lân cận đã đến sửa chữa tại chỗ ông, có khi cùng lúc cho lên đà 10-15 chiếc tàu gỗ, tàu sắt lớn nhỏ. Công việc ngày càng phát triển, những con tàu xa bờ được đóng mới của ngư dân nối tiếp vươn khơi từ công ty ông Thụ. Năm 2005, ông Thụ quyết định đặt tên Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt tồn tại đến bây giờ.
Ông Võ Văn Thụ trong lần tham dự hội thảo do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phối hợp với các đơn vị khác tổ chức. Ảnh: Ngọc Vũ.
Có trong tay đội ngũ 60 công nhân và hàng chục kĩ sư, máy móc hiện đại nên mỗi năm ông “giám đốc nông dân” này nhận sửa chữa, đóng mới rất nhiều tàu cá xa bờ, tàu hàng lên tới cả ngàn tấn. Từ khi nghị định 67 của Chính phủ được triển khai, ông Thụ đã đóng mới 23 tàu (8 vỏ thép, 15 vỏ gỗ) vươn khơi Hoàng Sa, Trường Sa phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cùng với kinh nghiệm đi biển, ông Thụ học hỏi thêm kỹ thuật đóng tàu hiện đại để “đỡ đẻ” nhiều tàu cá từ 800-1.100 CV. “Mỗi địa phương có đặc thù vùng biển và khai thác riêng nên mẫu của tàu cũng không nên áp đặt mà phải linh hoạt. Phải sản xuất những con tàu như chiếc xe bán tải trên bộ, có thể vượt mọi địa hình, chịu được sóng to gió lớn mới giúp ngư dân làm ăn hiệu quả” – ông Thụ tâm sự.
Đầu năm 2016, tàu vỏ thép của ngư dân Đoạn Văn Dũng (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) trị giá gần 14 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng BIDV Quảng Trị được Công ty đóng tàu Cửa Việt hạ thủy đến nay hoạt động ổn định, làm ăn có lãi. “Không những đóng tàu tốt, anh Thụ còn tư vấn cho tôi và các chủ tàu khác cách sử dụng, vận hành tàu hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu” – anh Dũng nói.
Vượt sóng cứu người
Song song với việc sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, ông Thụ còn làm nghề trục vớt cứu hộ tàu thuyền hơn 15 năm dọc khu vực miền Trung. Tính đến nay, có hàng trăm con tàu lớn nhỏ được ông Thụ cứu hộ thành công, giảm thiệt hại cho chủ tàu.
Để kể hết những lần ông Thụ vượt sóng cứu hộ, cứu nạn trên biển chắc phải mất vài ngày. Chúng tôi chỉ nêu một vài vụ nổi bật như những ngày cận Tết Nguyên đán 2015, tàu Đại Lộc của một người tên Tuấn chở 1.000 tấn xi măng chuyển hàng từ Sông Gianh đến Đà Nẵng gặp sóng lớn chìm ngay ở cửa biển Sông Gianh (Quảng Bình). Nhận tin cấp cứu, ông Thụ trực tiếp chỉ huy đội tàu vượt sóng lớn đánh nổi thành công con tàu đắm. Đang lai dắt tàu Đại Lộc về công ty để sửa chữa, đến cửa biển Cửa Việt thì ông Thụ phát hiện tàu cá ngư dân Trương Văn Định (trú thôn Xuân Ngọc, Gio Việt) bị sóng đánh chìm. Chẳng phút do dự, ông Thụ tháo dây lai dắt tàu Đại Lộc để quay sang cứu tàu cá cùng 17 ngư dân trên tàu an toàn và bàn giao cho Bộ đội biên phòng Cửa Việt. Cứu hộ xong, ông Thụ lặng lẽ ra về, sau đó mới quay lại kéo tàu Đại Lộc về “đại bản doanh” của mình để sửa chữa.
Gần đây nhất, ông Thụ đã trục vớt, cứu hộ thành công tàu cá ngư dân Đỗ Văn Sỹ (trú Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) do bão số 2 (2017) đánh chìm. Tàu của ngư dân tên Phụng (trú tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) trong quá trình đi trú bão số 4 tại Hòn La, Quảng Bình cũng bị sự cố chìm đắm và được ông Thụ trục vớt đưa về nơi sửa chữa.
Những tàu hàng như Phúc Linh 09 trọng tải 1.000 tấn chìm ngày 9.12.2014, Trung Thành 05 chở 2.000 tấn tinh bột sắn đắm ngày 8.1.2015… đều được ông Thụ trục vớt thành công trong sóng to gió lớn, đối diện vô vàn hiểm nguy. Đam mê cứu người, cứu tàu khiến ông nhiều phen gặp nguy hiểm. Nhiều lần suy tính thiệt hơn, ông tính bỏ nghề nhưng như cái máu trong người, hễ nghe tin lại cùng anh em lao đến giải cứu tàu đắm.
Ở địa phương, ông Thụ luôn là người đi đầu đóng góp các hoạt động xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa…Nhắc đến ông Thụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tấm tắc khen ngợi, đó là một nông dân tuyệt vời, được các cấp địa phương trao tặng nhiều bằng khen. Tỉnh sẽ tạo điều kiện nhiều hơn để Công ty đóng tàu Cửa Việt ngày càng phát triển.
Theo Dân Việt