Nguyễn Văn Niếu, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trồng 8 công sầu riêng cho ra trái nghịch vụ. Bình quân mỗi cây cho 150 trái, mỗi trái bán 100.000 đồng, thu 15 triệu/cây. Giá sầu riêng nghịch vụ dự kiến 70.000 đồng/kg, thu cả vườn ông Nếu có 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Niếu luôn cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học hỏi. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri6 và giống Monthong, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Nông dân trong vùng tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Nguyễn Văn Niếu.
Từng có thời gian tham gia quân ngũ, đến năm 1978, ông Niếu trở về địa phương làm kinh tế và trồng cây lúa. Trước thực tế, cây lúa chỉ đủ ăn, không thể làm giàu, năm 2000, ông bắt đầu lên liếp và trồng sầu riêng với các giống như: Monthong, Ri6, Chuồng bò... Đến nay, sau thời gian gắn bó, hiện tại ông Niếu đã có được 8.000m2đất trồng sầu riêng và đang cho trái đều.
Ông Niếu cho biết, nếu để sầu riêng ra trái tự nhiên, sẽ dẫn đến tình trạng dội hàng, sầu riêng sẽ bị rớt giá. Chính vì thế, 10 năm trở lại đây, ông không để sầu riêng ra trái tự nhiên mà áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật tích lũy qua nhiều năm, cũng như học hỏi từ các hộ trồng sầu riêng khác xử lý để cây cho trái nghịch vụ, bán được giá cao. Hiện tại, vườn sầu riêng của ông Niếu đang trong giai đoạn cho trái non và bắt đầu cho thu hoạch rộ vào khoảng 20 tháng Chạp âm lịch, đúng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2017. Sầu riêng nghịch vụ như của nhà ông Niếu là 1 trong những loại quả ăn Tết, quả bán Tết.
Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, dự kiến năm nay, vườn sầu riêng của ông cho khoảng 17 tấn trái, hứa hẹn mang về nguồn thu đáng kể. Ông Niếu chia sẻ: "Nếu để sầu riêng ra trái tự nhiên, ai cũng có, cung sẽ vượt cầu, giá sẽ xuống thấp, chính vì thế, muốn làm giàu phải xử lý để sầu riêng ra trái nghịch vụ, không bị dội hàng, giá bán sẽ cao, người trồng thu lại lợi nhuận và dễ làm giàu từ cây sầu riêng".
Nhờ chọn và gắn bó với những giống sầu riêng chất lượng, được thị trường ưa chuộng nên hàng năm sầu riêng của ông Niếu được thương lái đến tận vườn thu mua. Nhiều năm sầu riêng khan hiếm hàng, ông Niếu bán với giá hơn 90.000 đồng/kg. Trước những hiệu quả kinh tế, cũng như những kinh nghiệm được tích lũy trong việc xử lý để cây ra trái nghịch vụ, vườn sầu riêng của ông Niếu được Hội Cựu chiến binh xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy cũng như Hội Nông dân các cấp chọn làm mô hình điểm cho bà con đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng góp phần khẳng định thương hiệu trái sầu riêng trên thị trường hiện nay. |
Chỉ vào cây sầu riêng nghịch vụ, sai trái, ông Niếu cho biết: "Cây này có khoảng 150 trái, bình quân mỗi trái bán được 100.000 đồng, thì cây này mang về hơn 15 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây lúa và các loại cây trồng khác. Dự kiến vụ sầu riêng nghịch mùa này bán với giá 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng".
Bén duyên với cây sầu riêng đã khá lâu, với chừng ấy thời gian ông Niếu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc để sầu riêng cho trái nghịch mùa, cho năng suất cao.
Ông Niếu chia sẻ: "Vào mùa mưa, cây sầu riêng ra đọt thường xuyên, lúc đó phải đậy gốc bằng nylon không cho nước mưa thấm vào gốc, cây sẽ không ra đọt non được thì sẽ ra hoa, nhưng phải bón phân vào gốc, xịt phân bón lá và chăm sóc làm cho cây tốt lên từ vài tháng trước.
Theo ông Niếu, khó nhất là không để cho cây ra đọt, trong khi cây được chăm sóc tốt thì sẽ ra đọt non. Vì vậy phải đậy cho cây khô gốc và xịt phân kali vào đọt cho chai sần không ra được.
Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng trái, người trồng cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết trong quá trình nuôi dưỡng trái. Tùy theo giai đoạn phát triển của cây mà có cách bón phân phù hợp. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất".
Sau bao năm miệt mài phấn đấu, ông Niếu đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình. Ông đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi, nuôi các con khôn lớn, nên người. Nhiều năm liền, gia đình ông Niếu được tuyên dương "Gia đình văn hóa tiêu biểu", nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Ông Niếu bộc bạch: "Vất vả, cực nhọc rồi cũng sẽ qua, nông dân thời nay muốn làm giàu phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất kịp thời. Không nản chí sau khi thất bại, nhất là những lúc giá sầu riêng xuống thấp, hay xuất hiện những tin đồn thất thiệt, gây khó khăn cho đầu ra với trái sầu riêng. Mỗi năm tích lũy một ít kinh nghiệm, bây giờ nhìn vào cây sầu riêng là biết cây bị bệnh gì, cần bổ sung loại phân bón nào. Nhờ vậy mà vườn sầu riêng của gia đình tôi vẫn xanh tốt và cho trái sai mỗi năm".