Search
Thứ 5, 07/07/2016, 09:07 AM

Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý?

Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý?

(Congtin.net) - Vì sao hiện giờ ở nước ta dư luận nóng rẫy về vấn đề thực phẩm bẩn? Vì sao nhiều nước trên thế giới giữ và giúp được cho dân họ có miếng ăn dinh dưỡng, ngon lành, thanh, sạch? Có lẽ bởi họ quản lý tốt...

Đặt ra những câu hỏi này, thực hiện chùm bài điều tra về thực phẩm bẩn ở một số tỉnh phía bắc, phóng viên Báo Lao Động xâm nhập các điểm nóng sản xuất thực phẩm bẩn tiêu biểu và thấy một thực trạng: Cơ quan quản lý ở thôn, xã, huyện, tỉnh thành, các ngành hữu quan của chúng ta thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm hoặc bị chính các thủ phạm sản xuất thực phẩm bẩn tố cáo là “bảo kê” cho thảm trạng trên...

Kỳ 1: Bình Lương - làng “mỡ bẩn”

Xin dẫn chứng trước hết ở một làng nhiều năm nay bị “điều tiếng” chuyên sản xuất mỡ bẩn, mỡ thối, bóng bì thối. Đó là thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

10 năm, vẫn chứng nào tật ấy

Khoảng 20 năm trước, nơi đây nổi danh với nghề làm bóng bì. Tức là bì lợn phơi khô, đem nổ thành miếng giòn phồng dùng để nấu món bóng - cổ truyền, hầu như không thể thiếu trong các bữa tiệc. 

Còn mỡ cạo gạn ra từ các tấm bì lợn người ta rán lên, lấy tóp và mỡ nước để bán. Mấy thập niên qua, mỡ, tóp mỡ, bóng bì của Bình Lương chiếm lĩnh thị trường cả nước, thậm chí có khi xuất cả ra nước ngoài. 

Vậy nhưng, cùng với sự giàu lên đó, là tai tiếng về “làng mỡ thối” cũng nổi như… tóp trong chảo mỡ sôi. Hàng trăm bài báo, video tố cáo những thứ thực phẩm kinh dị này đã được đăng, phát sóng... Nhưng, vẫn như “nước đổ lá khoai”.

Nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo: Khó bắt giữ (các hộ làm mỡ thối, mỡ bẩn) lắm, cán bộ xã Tân Quang thì bảo, bà con làm thực phẩm rất sạch, mỡ, bóng bì đều tốt, tóp mỡ càng thơm. 

Bởi bóng bì phải trắng mới có người mua, mà bóng muốn trắng thì bì phải tươi ngon. Bóng bì thả vào bát canh trong dịp lễ lạt trọng đại kia, nó phải qua công đoạn nổ trong máy (như kiểu nổ bỏng ngô). Mà việc nổ thì rất khắt khe, ôi thiu là nó không… nổ.

Thấy các ông cán bộ “nổ” giống nhau, vừa rồi, về lại Tân Quang, đối thoại với đồng chí Cao Đức Long - Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đưa ra các video mà sau nhiều ngày tháng đóng giả công nhân khu công nghiệp vào làng Bình Lương “mỡ thối” thuê trọ, chúng tôi đã quay lén từ các khe hở được, thì ông đương kim Chủ tịch UBND xã lại nói thác rằng, bì lợn ấy là dùng để nổ bóng xuất sang Trung Quốc. 

Sang đó có thể họ nấu lên làm keo... Nhà báo cứ lên huyện mà xem giấy tờ họ cấp cho dân đem từng xe tải đi bán hẳn hoi. Còn đồ bán trong nước toàn hàng… xịn!

Tới đây, chúng tôi thật sự không hiểu, vì lý do gì cán bộ địa phương rất “ghét” các nhà báo nói về vấn đề có thật ở địa phương, kiểu như mỡ thối, tóp mỡ thối, bóng bì bẩn. 

Câu hỏi đặt ra là: Có phải vì chúng ta vẫn quản lý thực phẩm một cách rất được chăng hay chớ, cứ quy trách nhiệm bừa đi. Xã, thôn nào còn thực phẩm bẩn thì cán bộ sẽ… xấu mặt! 

Trong khi đó, lẽ ra phải căn cứ vào thực tiễn... Thế là cán bộ thôn, xã thi nhau trốn nhà báo, khi buộc phải đối thoại, thì họ loanh quanh, vẫn một “bài” nói lảng nói tránh,..

Còn nhớ, vài năm trước, nhóm PV Báo Lao Động đã về làng Bình Lương, đóng giả người buôn tóp mỡ và bóng bì bán lên Hà Nội, chúng tôi đã chứng kiến la liệt mỡ lợn, bì lợn phơi gần nhà vệ sinh, phơi ngoài đường đầy xú uế, phơi thẳng xuống đất, mặc cho chó và gà giẫm đạp. 

Khi chúng tôi làm việc với Công an huyện Văn Lâm, tố cáo thủ đoạn của một số hộ sản xuất, thì đích thân cán bộ công an huyện (một trung tá, đội cảnh sát môi trường) cùng chúng tôi vào làng “tìm hiểu”.

Đúng thời điểm đó, thậm chí, gia đình đồng chí Trưởng thôn Bình Lương cũng bị công an bắt hàng với tang vật là 14 tấn mỡ thối đang trên đường vận chuyển. 

“Hàng” của cái làng tai tiếng này còn được lực lượng công an cho biết, rất đáng sợ, đem xe tang vật về để gần trụ sở mà nó chảy mỡ thối ra,... Mà đau đớn một nhẽ, họ buôn 1 tấn hay 10 hoặc 1000 tấn, thì quy định cũng chỉ cứng nhắc (lúc bấy giờ) là phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng thôi. 

“Thế là chúng tôi cứ bắt, đồng đều phạt 1,5 triệu đồng hết! Vì thế nó không có tính răn đe”, một cán bộ cho hay.

Những xe tải chở mỡ thối sao cứ “chui lọt lỗ kim”?

Ngày 30.5.2016, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) bắt giữ xe máy BKS 89F3 5637 thu 220 lít mỡ lợn dạng nước chở từ thôn Bình Lương đem về HN tiêu thụ. 

Ngày 26.5.2016, trên nút giao thông Phạm Hùng - Trần Duy Hưng (HN), CSGT bắt giữ 1 xe tải chở 5 tấn mỡ lợn hôi thối đi tiêu thụ. Lái xe Trương Phi Cường ở Hưng Yên khai nhận, anh ta được thuê chở số mỡ khổng lồ và kinh khủng này từ các “lò mỡ bẩn” thuộc huyện Văn Lâm.

Dọa “đập” phóng viên

Lại nói chuyện nhóm PV chúng tôi cùng vị trung tá công an vào làng Bình Lương, trưởng thôn vừa bị phạt vẫn khiên cưỡng dẫn đường, đến “thăm” một hộ sản xuất. Bóng bì phơi trắng ở góc vườn bẩn thỉu. 

Từng chảo mỡ vừa rán cáu bẩn, chậu hóa chất rửa mỡ thối để khử mùi và tẩy trắng còn sầu bọt rợn người. Sau này, các báo cùng vào cuộc, các vụ bắt giữ “hàng không rõ nguồn gốc” liên tục diễn ra được một thời gian.

Có vẻ như nhà báo cũng cảm thấy tự hào vì mình làm được việc điều tra tốt cho cộng đồng. Lực lượng công an và quản lý thị trường cũng lập công. 

Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, các “chiến dịch” hời hợt kể trên chỉ làm cho các ông trùm sản xuất và buôn bán mỡ, tóp mỡ, bóng bì bẩn hoạt động kín đáo hơn. 

Các cơ sở sản xuất thì mua tôn về che kín nơi sản xuất kinh doanh bí mật, để tránh bị báo chí và cơ quan chức năng dòm dỏ.

Ở đợt điều tra mới đây, hè 2016, buổi đầu tiên chúng tôi đến hỏi thuê nhà, chủ nhà xông ra chửi ầm ĩ, “thuê nhà cái mả bố chúng mày, con tao nó về nó đập chết cả lũ, chúng mày là phóng viên chứ gì, tao còn lạ gì nữa”. 

Có lẽ, họ biết cách đối phó dễ dàng với cơ quan chức năng hơn. Cả chủ sản xuất kinh doanh mỡ bẩn và cả người chở thuê mỡ bẩn từ Bình Lương lên Hà Nội (khi chúng tôi vào vai con buôn đến thuê trọ và thuê chở hàng)… đều dạy chúng tôi phải “quen biết” và “quà cáp lễ tết” cho “ai đó” để làm ăn trót lọt.

Qua lỗ gạch ở một phòng trọ một nhà người dân ở Bình Lương, chúng tôi thấy la liệt bì lợn, mỡ lợn nằm dưới nền nhà bẩn thỉu, các chủ hộ và nhân công thì đeo ủng cao giẫm như giẫm ngoài ruộng bùn. Mỡ cháy đen, bẩn thỉu trong các chảo. 

Ruồi muỗi bu đen kịt, hệ thống cống rãnh ô nhiễm tận cùng. Mỗi ngày nhà chúng tôi thuê trọ có thể gom mỡ bẩn lại và rán ra được 50 lít mỡ. Nhưng họ cho biết, có thể gom được cả mối hàng khổng lồ tới 60 tấn mỡ lợn nước. 

Cậu con trai bà chủ nhà tiết lộ. “Họ gom hàng thành đường dây, ai bán, ai mua là có đầu mối quen hết rồi, người ngoài không dễ gì xen vào được. Bởi họ sợ cảnh sát môi trường sẽ hóa trang điều tra”.

Một chủ hộ còn tự hào khoe: “Bọn nhà báo sợ bọn tớ lắm, lần nào vào cũng phải mời cả công an đi cùng cơ mà!”. Mỗi ngày chúng tôi bỏ tiền “mua làm tin” vài chục lít mỡ thối với giá siêu rẻ - 7 - 8 nghìn đồng/lít. 

Khi ra khỏi làng chúng tôi đổ bỏ ngay chỗ mỡ bẩn này. Các ông bà chủ thì kỳ vọng ở chúng tôi, họ muốn làm ăn to, đưa thứ mỡ này vào các nhà hàng, các công ty chế biến thực phẩm. Họ bảo, nhà K, đều đặn đem mỡ bẩn này đi bán cho cơ sở

Tay L thì ngày nào cũng chở hàng tạ mỡ thối lên Hà Nội rồi tiện đường chở mỡ thối lòng thối về làng, hắn khoe các mánh qua mặt lực lượng chức năng bằng “cửa sau”...

Nhìn cái nghề này từ trong “rèm”, mới thấy cán bộ thôn xã toàn không nói thật. Sự thật đắng lòng thì chình ình ra đó, bì mỡ, lòng lợn lòng bò thối nhập về, sau khi rán và nổ bóng, thì mỡ bẩn cùng các sản phẩm khác đem đi. 

Thậm chí chở hàng bằng xe tải, giữa ban ngày ban mặt. Vì lý do gì mà công an và quản lý thị trường cùng các vị “liên ngành” quan trọng kia không bắt được? Họ bất lực hay họ mặc kệ, nếu mặc kệ thì mặc kệ vì lý do gì?

Một số hình ảnh phóng viên Lao Động ghi được tại các cơ sở chuyên sản xuất mỡ bẩn, mỡ thối, bóng bì thối ở thôn Bình Lương (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên):

(còn tiếp)



0.25434 sec| 1540.547 kb