Đà Lạt được mệnh danh là thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng cũng như cả nước với nhiều đơn vị sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, rau sạch chủ yếu được xuất ra nước ngoài hoặc đi ngoại tỉnh, còn ngay tại Đà Lạt hầu như chưa có cửa hàng bán rau an toàn phục vụ người tiêu dùng.
“Đỏ mắt” tìm cửa hàng rau sạch
Khảo sát tại hệ thống chợ bán lẻ trên địa bàn TP.Đà Lạt, hầu như không có cửa hàng cung cấp các loại rau được chứng nhận an toàn như VietGAP, GlobalGAP, Oganic… Ngay tại khu chợ trung tâm Đà Lạt, người tiêu dùng cũng khó tìm thấy cửa hàng bán rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Sáng (40 tuổi) – người dân phường 9, TP.Đà Lạt cho rằng: “Mấy năm trước, thực sự tôi cũng không quan tâm nhiều tới xuất xứ của rau, miễn rau tươi là tôi chọn mua. Nhưng thời gian gần đây có nhiều thông tin về rau không an toàn nên tôi thực sự thấy lo lắng và muốn tìm được nơi mua rau an toàn. Tuy nhiên, không có cửa hàng như vậy tại Đà Lạt”.
Dù là xứ rau, Đà Lạt vẫn vắng bóng các cửa hàng rau an toàn trên địa bàn. Ảnh: Văn Việt
Tại chợ Đà Lạt có 120 gian hàng đăng ký kinh doanh rau, củ. Tuy nhiên hầu hết các mặt hàng bày bán chủ yếu là rau, củ thông thường, được tiểu thương nhập trực tiếp từ vựa rau hoặc nhà vườn đem ra cung cấp. |
Thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn muốn mua rau có nguồn gốc xuất xứ để sử dụng hoặc gửi đi làm quà... phải tự tới mua lẻ tại các các công ty sản xuất, đóng gói rau, củ trên địa bàn. Nhưng việc mua cũng gặp khó khăn do các đơn vị này hầu hết bán cho các siêu thị, nhập đi ngoại tỉnh hay xuất khẩu với số lượng lớn. Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến với Đà Lạt, có nhu cầu mua rau sạch về sử dụng hoặc làm quà song rất khó khăn trong việc tìm địa điểm mua. Chị Nguyễn Ánh Nguyệt – khách du lịch từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi muốn tìm cửa hàng rau sạch để mua đem về, nhưng ở Đà Lạt lại không có cửa hàng như vậy nên tôi đành phải mua rau trôi nổi ngoài chợ và không thật sự an tâm về độ an toàn của chúng”. Chị Nguyễn Yến Vi- khách du lịch đến từ TP.HCM nói thêm: “Mỗi lần lên Đà Lạt phải nhờ người quen giới thiệu tới các công ty sản xuất rau sạch để mua. Tuy nhiên, do không quen đường sá nên đi lại rất bất tiện”.
Theo thống kê, tại chợ Đà Lạt có 120 gian hàng đăng ký kinh doanh rau, củ. Tuy nhiên hầu hết các mặt hàng bày bán chủ yếu là rau, củ thông thường, được tiểu thương nhập trực tiếp từ vựa rau hoặc nhà vườn đem ra cung cấp. Theo một số tiểu thương, việc họ không bán rau an toàn bởi những sản phẩm rau sạch có giấy chứng nhận có mức chênh lệch về giá cả nhất định với sản phẩm thông thường nên lo ngại sức tiêu thụ sẽ yếu hơn.
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý chợ Đà Lạt, cũng thừa nhận, hiện nay nhiều tiểu thương chưa mặn mà với việc kinh doanh sản phẩm rau sạch, an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bởi đó là thói quen kinh doanh và nếp mua bán lâu nay của chợ truyền thống và rất khó thay đổi”.
Chú trọng thị trường ngoại tỉnh
Không chỉ tại hệ thống chợ bán lẻ chưa quan tâm đến việc mở cửa hang rau sạch mà ngay những doanh nghiệp (DN), đơn vị đi đầu trong sản xuất cung ứng rau sạch cũng chưa chú trọng đến việc này ở thị trường trong tỉnh. Lâm Đồng hiện có nhiều DN, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rau có thương hiệu. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều chú trọng tới các siêu thị, thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Lục – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản Lâm Đồng, cho biết: Những hộ nông dân sản xuất rau VietGAP đều bán cho các công ty để bán đi ngoại tỉnh vì sức tiêu thụ của người dân địa phương ít. Rau an toàn của Lâm Đồng xuất đi ngoại tỉnh và xuất khẩu chiếm đến 97%.
Trước đây, các DN chưa có sự quan tâm đúng mức tới thị trường trong tỉnh bởi vấn đề rau an toàn những năm trước chưa thực sự “nóng bỏng” như hiện nay nên người dân xứ rau ít quan tâm tới vấn đề rau an toàn. Mặt khác, sức tiêu thụ trong tỉnh khá thấp trong khi sức tiêu thụ ở ngoại tỉnh và một vài thị trường xuất khẩu lại quá lớn. Bởi thế, các DN hầu như đều “sản xuất không đủ bán” nên có phần “bỏ bê” thị trường trong tỉnh.
Ông Lê Văn Cường – Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP thừa nhận: Mỗi năm sản lượng rau của công ty đạt khoảng 1.500 tấn nhưng có trên 99% xuất đi ngoại tỉnh và nước ngoài. Do vậy, thương hiệu rau Đà Lạt GAP được rất nhiều người dân ở TP.HCM biết đến, còn người dân Đà Lạt lại ít biết hơn. Khách du lịch khi đến Đà Lạt lại không biết mua rau sạch của công ty ở đâu.
Ông Nguyễn Công Thừa – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Anh Đào cho biết: “Hiện nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch khi đến với Đà Lạt về rau sạch, rau có chứng nhận là rất lớn. Anh Đào cũng đã nghĩ đến điều này, tuy nhiện hiện tại HTX vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm để mở của hàng phân phối. Hiện số rau của HTX Anh Đào có 95% xuất đi ngoại tỉnh và 5% xuất đi nước ngoài”. Cũng theo ông Thừa, hàng năm tỉnh Lâm Đồng bỏ ra rất nhiều tiền đi quảng bá, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng nông sản của địa phương. Tuy nhiên, ngay chính tại Đà Lạt lại không có cửa hàng phân phối. Lượng khách du lịch ngoại tỉnh và nước ngoài đến với Đà Lạt mỗi năm lên đến hàng triệu lượt người, một con số rất lớn, rất tiềm năng cho việc quảng bá, nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng hết lợi thế này.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Việc xây dựng cửa hàng phân phối tại Đà Lạt là vấn đề chúng tôi sẽ quan tâm trong thời gian tới”. Thay đổi nếp mua bán ở các chợ là điều không dễ, nhưng việc hình thành các cửa hàng bán rau có chứng nhận an toàn có lẽ đã đến lúc cần. Đó không chỉ là nhu cầu của một bộ phận người dân trước tình hình thực phẩm không an toàn đang tràn lan trên thị trường mà còn là nhu cầu của chính các DN sản xuất rau có thương hiệu trên địa bàn.
Theo danviet.vn