Ông Lê Như Phú - nông dân ở TP.HCM vừa cho biết, ông đã sản xuất thành công đại trà Artemia sinh khối trong nhà, và nhờ Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Sở NNPTNT TP.HCM) giúp quảng bá sản phẩm ra thị trường.
Theo ông Huỳnh Quang Minh – cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân TP.HCM, đây là lần đầu tiên Trung tâm nhận được yêu cầu hỗ trợ của nông dân về vật nuôi này. Ông Phú cũng được xem như là người đầu tiên trên địa bàn sản xuất Artemia sinh khối đại trà trong nhà.
Bí quyết là khâu thức ăn
Lâu nay, loài Artemia được bà con nhân nuôi trên những cánh đồng muối như ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Giờ (TP.HCM), Khánh Hòa… Một số ít nông dân nuôi được Atermia trong nhà nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu dùng làm thức ăn cho chính giống thủy sản của mình.
Ông Lê Như Phú đang theo dõi Artemia tăng trưởng. Ảnh: T.Đ
Những năm gần đây, nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh tại TP.HCM phát triển nhanh. Hiện, toàn thành phố có gần 300 cơ sở sản xuất cá cảnh, tập trung ở các quận 9, 12, huyện Bình Chánh và Củ Chi. |
Là người nhân nuôi cá đĩa, để có nguồn thức ăn cho cá bột, ông Phú thường xuyên cần những con Artemia sinh khối nhỏ ti li. Sau thời gian mua Artemia về cho cá bột ăn, từ 7 - 8 năm nay ông Phú bắt đầu tự nuôi Artemia trong nhà mà không cần mua ngoài thị trường nữa. Từ khi nắm được “bí quyết” pha chế thức ăn cho Artemia, ông đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất đại trà Artemia trong nhà với ý định sẽ đưa ra thị trường với số lượng lớn.
Trong trại nuôi Artemia, thay vì dùng bể xi măng, ông Phú dùng thau nhựa. Cả trăm chiếc thau nhựa nối nhau, bên trong chen chúc những con Artemia nhỏ xíu. Ông Phú cho biết, nuôi Artemia trong bể xi măng sẽ khó chăm sóc, thu hoạch hơn so với nuôi bằng thau nhựa. Việc nuôi Artemia trong nhà không khó, nhưng khác hoàn toàn với nuôi ngoài trời về ánh sáng, độ mặn và thức ăn. “Artemia sinh khối chủ yếu ăn tảo để sống. Tuy nhiên khi nuôi trong nhà thì rất khó tạo tảo Nano Chloropsis hoặc Chlorella cho Artemia ăn. Vì thế, phải có cách pha chế thức ăn đặc biệt thay tảo” - ông Phú nói.
Theo ông Nguyễn Trung Thành – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, thức ăn nuôi Artemia có thể dùng nhiều loại, thường là bột đậu nành rang hoặc bột đầu nành tươi, cám gạo, cám ủ bằng men bánh mì với hàm lượng 1g men/kg cám ủ trong 24 giờ ở nhiệt độ 25 độ C. Thức ăn được hòa vào nước và lọc qua lưới, sau đó người nuôi lấy phần lọt qua lưới để cho Artemia ăn, hạn chế thức ăn thừa. Liều lượng cho ăn 0,5 kg/100m2/ngày.
Nhắm vào phân khúc cá cảnh
Kinh nghiệm cho thấy, nắng càng to thì Artemia sinh sản càng nhanh và ngược lại. Chỉ sau 28 – 30 ngày nuôi là Artemia có thể xuất bán. “Đây là loại vật nuôi siêu lợi nhuận. Nếu con lòng ròng hiện nay có giá 800.000 đồng/kg, thì con Artemia có giá cao gấp nhiều lần. Hiện tôi xuất bán Artemia ra thị trường với giá 15.000 đồng/bịch” – ông Phú nói.
Artemia được nuôi trong bể nhựa thay cho bể xi măng. Ảnh: T.Đ
Artemia là thức ăn tươi sống được sử dụng trong sản xuất giống thủy sản. Việc sử dụng ấu trùng Artemia Nauplius nở từ trứng với số lượng lớn có giá thành cao, đồng thời chất lượng trứng (tỷ lệ nở) không kiểm soát được. Để hạn chế việc này, người ta sử dụng nguồn sinh khối Artemia nhằm làm giảm số lượng Artemia Nauplius mà hiệu quả lại cao hơn. |
Khi được hỏi vì sao không thu hoạch trứng Artemia mà chỉ là lấy dạng sinh khối, ông Phú cho rằng, lâu nay nông dân các nơi chỉ làm Artemia phục vụ nuôi trồng thủy sản (chủ yếu cho nuôi tôm) và bỏ ngỏ phân khúc cá cảnh. Vì thế, ông đã khai thác phân khúc này và sản xuất Artemia sinh khối để phục vụ cho thị trường TP.HCM – “vựa” cá cảnh lớn nhất nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Quang Minh cho biết, hiện Trung tâm Hỗ trợ nông dân TP.HCM đang xúc tiến các công đoạn hỗ trợ để giúp ông Phú quảng sản phẩm Artemia tươi sống ra thị trường dùng cho cá cảnh, như: Xây dựng trang web, thương hiệu, logo, bao bì… “Chúng tôi đang dự định sẽ giới thiệu rộng rãi con Artemia của ông Phú tại các hội chợ, chợ phiên nông sản… với hy vọng tiến tới sản xuất đại trà, giúp bà con nông dân chủ động nguồn thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản” - ông Phú nói.