Gần tết, tín hiệu vui đến với nhà nông ở nhiều địa phương khi cây trồng, vật nuôi được giá, dự báo “cháy” hàng... Nhưng, đối nghịch là ở không ít nơi, giá một số nông sản vẫn tiếp tục xu hướng giảm, khiến nhà nông đã thấy một cái tết buồn vì thất thu...
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đã bước vào thu hoạch mía năm 2017-2018 với nỗi lo giá mía giảm mạnh, chỉ còn 700 - 800 đồng/kg. Cùng với đó, nắng nóng kéo dài khiến nhiều ruộng mía khô rang, bốc cháy trơ trụi, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nông dân.
Mùa mía ngọt bỗng chốc đắng ngắt
Đầu vụ thu hoạch, nhiều hộ dân trồng mía ở Gia Lai vui mừng vì mưa nhiều, mía phát triển tốt nên năng suất tăng cao. Tuy nhiên, vui mừng vì được mùa mía chưa lâu thì bà con lao đao vì giá mía giảm thê thảm, chỉ còn từ 700 - 800 đồng/kg.
Nỗi buồn "được mùa, mất giá" in hằn lên khuôn mặt của những nông dân trồng mía. Ảnh: Trần Hiền
Nắng nóng kéo dài, cùng với tiến độ thu mua mía chậm nên tại địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra nhiều vụ cháy mía. Từ ngày 4.11.2017 đến ngày 14.1.2018 trên địa bàn xã Ia Piơr, huyện Chư Prông đã xảy ra nhiều vụ cháy làm thiệt hại 72ha mía của người dân, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Đối với những diện tích này, nếu thời gian tới vẫn không thu hoạch và tiêu thụ được thì đành phá bỏ vì lượng đường trong cây mía đã giảm, để lâu sẽ bị hỏng. |
Những vựa mía lớn trên địa bàn Gia Lai tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã như: Phú Thiện, Krông Pa, thị xã An Khê, Ayun Pa, Chư Prông với quy mô hàng nghìn ha. Ông Nguyễn Văn Toàn ở xã An Trung, huyện Kông Chro, cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 15ha mía, nhưng mới chặt bán được khoảng 7-8 xe, trung bình một xe khoảng 20 tấn mía. Như những năm trước, chúng tôi hào hứng lắm, nhưng năm nay giá mía giảm mạnh quá, chỉ còn từ 700-800 đồng/kg nên cũng không muốn ra bãi chặt mía”.
Cũng theo ông Toàn, mọi năm 1ha mía có thể thu về khoảng 35 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông lãi từ 15-17 triệu đồng. Nhưng năm nay do giá mía giảm mạnh, gia đình ông đang lo phải bỏ thêm tiền để trả công cán thu hoạch chứ không dám mong lời lãi.
Bên cạnh nỗi lo về giá mía giảm mạnh, không đủ chi phí chi trả công cán, người dân lại thêm gánh nặng do mía cháy. Ông Nguyễn Văn Tâm (trú tại xã An Trung, huyện Kông Chro) buồn bã nói: “Gia đình tôi trồng được 2ha mía thì đã bị cháy rụi hoàn toàn chiều 21.1. Cả năm chăm sóc nhưng chỉ trong vài phút là tan biến hết, mất trắng toàn bộ. Mía cháy vẫn được nhà máy mua với giá 500 đồng/kg, nhưng trừ đi tiền công cán, bốc vác, tạp chất... thì nhà tôi hết nhẵn, thậm chí còn phải bỏ thêm tiền. Cứ tưởng vụ mía năm nay có lãi chút ít, ai ngờ thành vụ mía đắng vì thiệt hại cả hơn trăm triệu đồng”.
Đẩy mạnh thu mua dứt điểm, tránh để mía cháy
Theo ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa, diện tích mía trên địa bàn huyện khoảng 1.300ha. Năm nay, do thời thiết thuận lợi nên năng suất mía bình quân đạt khoảng 65 tấn/ha, cao hơn các năm trước khoảng 10%. Tuy nhiên, giá mía năm nay lại thấp hơn các năm trước 150.000-200.000 đồng/tấn, đây cũng là mức giá thấp nhất trong 5 năm qua.
“Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đơn vị đã kiến nghị các nhà máy, doanh nghiệp lên lịch thu mua dứt điểm, nhất là những diện tích khô hạn, chín sớm để đề phòng cháy, không gây thất thoát, tránh thiệt hại thêm cho bà con” - ông Duyên cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dương - Trưởng phòng Nguyên liệu, Nhà máy Mía đường An Khê (Gia Lai) cho hay: Sau khi nghỉ 4 ngày để tu bổ máy móc, nhà máy đã hoạt động trở lại. Hiện tại, nhà máy đang tiến hành thu mua mía ở các huyện như Kông Chro, Đăk Pơ trước vì nhiều diện tích mía ở đây đã chín. Còn ở thị xã An Khê, nhà máy sẽ tiến hành thu mua sau. Để tránh tình trạng mía cháy, gây thiệt hại cho bà con nông dân và mía trổ cờ, cây xốp giảm trữ lượng đường, nhà máy đang đẩy mạnh công suất tiêu thụ khoảng 18.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Bá Chủ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cho hay, niên vụ 2017-2018, vùng nguyên liệu của công ty có khoảng 11.500ha mía với sự tham gia của trên 4.000 hộ dân tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Ngay từ đầu vụ, công ty đã lập kế hoạch cam kết ngày chặt cụ thể, tránh tình trạng thu mua mía chậm ảnh hưởng đến năng suất của bà con.
“Hiện tại, chúng tôi đang thu mua mía của người dân với giá 800 đồng/kg, đồng thời khuyến khích bà con tăng cường đề phòng hỏa hoạn để tránh tình trạng mía bị cháy, khiến năng suất và trữ lượng đường giảm” - ông Chủ cho hay.
Theo danviet