Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tại xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) nhờ nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với hơn 11,2 tỷ đồng đã vượt qua khó khăn, làm quen với những mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Minh - Bà Quàng Thị Hương cho hay, từ vốn vay ưu đãi bà con chủ yếu đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đối với xã, đây cũng là thế mạnh nông nghiệp và đồng thời cũng là kênh đầu tư hiệu quả giúp để mỗi khi bán trâu, bò, lợn thì bà con có gia sản, có được món tiền to.
Ví dụ cụ thể là trường hợp gia đình chị Cà Thị Trưởng (bản Na Lơi). Tới nay, nhà chị Trưởng đã được 3 lần vay vốn Ngân hàng CSXH. Lần đầu tiên, chị đầu tư nuôi gà ta thả đồi với số vốn vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Cũng nằm trong chương trình hộ nghèo, lần thứ 2 chị đầu tư nuôi trâu sinh sản với số tiền vay là 20 triệu đồng. Và năm 2015, chị được vay 30 triệu đồng để mua thêm trâu và tậu đàn dê giống trong chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn.
Chị Trưởng tâm sự: “Nhà tôi hiện nay đã có 8 con trâu, 25 con dê và đàn gà hơn 100 con. Muốn mua sắm thứ gì đắt tiềnhay nhà có việc chỉ cần bán 1 - 2 con trâu hay chục con dê là đủ tiền…”.
Cũng được vay chương trình hộ nghèo nên vợ chồng chị Lò Thị Tương - anh Vì Văn Xuân (bản Na Lơi) cũng đầu tư nuôi lợn đen, nuôi trâu. Mặc dù, gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2014, thế nhưng vẫn được vay vốn của Ngân hàng CSXH.
Anh cho hay: “Với chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, vợ chồng tôi đã mua 2 con trâu cái từ vốn vay 30 triệu đồng. Đàn trâu của nhà tôi bây giờ có 3 con nhờ 1 con trâu mẹ đẻ nghé năm ngoái. Hồi còn vay vốn hộ nghèo, tôi đã gây dựng được 25 con dê sinh sản. Tôi bán 9 con dê trong tết vừa rồi và thu về gần 15 triệu đồng. Nhờ đó mà tôi mới có tiền để mua sắm vật dụng trong nhà…”.
Vừa rồi, khi biết Nhà nước tăng mức cho vay chương trình hộ nghèo, hộ SXKD VKK từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ, chúng tôi rất phấn khởi. Với số tiền này đủ để chúng tôi mua 2 con trâu hoặc 2 con bò sinh sản...”
Theo Chị Lường Thị Minh
Được biết, tiếng là thuộc thành phố, nhưng từ trung tâm phố thị đến xã Thanh Minh cách gần 20km. Chỉ tay về mấy quả núi xa xa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Minh - Bà Quàng Thị Hương nói: “Có 10 dân tộc cùng sinh sống trong xã này, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm nhiều nhất thành phố. Trước nay, chỉ có nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH cho bà con đầu tư phát triển sản xuất. Có thể nói, cũng nhờ nguồn đầu tư từ vốn vay ưu đãi mà nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả…”.
Chị Lường Thị Minh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn bản Na Lơi xác nhận: “Hiện nay, có 30 thành viên trong tổ vay vốn với tổng dư nợ 900 triệu đồng. Từ số tiền được vay, đa số các hộ đều đầu tư cho nuôi trâu, bò sinh sản, một vài hộ khác thì đầu tư nuôi lợn đen địa phương, nuôi gà ta thả vườn đồi. Mấy năm nay, nhờ các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa mà bà con trong bản đều được cải thiện mức sống lên cao hơn…”.
Bà Quàng Thị Hương chia sẻ: “Những hộ nào hơn 10 năm trước mà nuôi trâu, bò, lợn, gà để kinh doanh là chuyện rất lạ. Bà con trước đây chủ yếu nuôi để “nhà dùng”, nhưng giờ thì khác, cách nghĩ của nhiều hộ nuôi đã dần thay đổi và linh hoạt hơn. Họ cho rằng, muốn có món tiền to ra tấm ra món thì chỉ có nuôi nhiều để bán…”.
Từ đây, tư duy, tập quán canh tác của đồng bào xã Thanh Minh đã được thay đổi từ khi có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH.
Theo Nhất Thủy/Nguồn: Dân Việt