Search
Thứ 7, 24/09/2016, 21:11 PM

Ngỗ giám đốc và mối duyên nợ với cây lúa

Ngỗ giám đốc và mối duyên nợ với cây lúa

Anh Trần Văn Ngỗ, ngụ ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) là 1 nông dân năng động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Ngỗ còn giúp nhiều nông dân khác thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

Làm giàu từ cây lúa

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng lúa đang độ chín vàng, anh Ngỗ : “Mấy chục năm theo nghiệp làm lúa, từ những năm làm ăn khó khăn đến lúc khấm khá, tuy có thăng trầm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình bỏ cây lúa. Tôi tin rằng mình không phụ đất thì đất không phụ mình. Trong sản xuất luôn phải tìm tòi, hướng đến canh tác làm sao giảm được chi phí mà tăng hiệu quả”.

 ngo giam doc va moi duyen no voi cay lua hinh anh 1

Cả đời anh Trần Văn Ngỗ gắn liền với cây lúa.  Ảnh: C.L

Hiện HTX Thanh Sơn có tổng diện tích 145ha, với 103 thành viên. Ngoài việc nhận sản xuất lúa giống ổn định, HTX còn làm trung gian bao tiêu lúa hàng hóa cho các hộ trong và ngoài HTX. Nhờ làm ăn hiệu quả nên tổng lợi nhuận của HTX đạt trên 11 tỷ đồng/năm.

Với tổng diện tích sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa 2,2ha, mỗi năm canh tác 3 vụ, tùy theo điều kiện tiêu thụ mà anh Ngỗ sẽ chọn loại hình sản xuất nào, đồng thời anh quan niệm chỉ sản xuất những giống lúa tốt, chất lượng cao và có nguồn gốc.

Theo anh Ngỗ, nhiều năm nay anh cùng nhiều hộ dân trong Hợp tác xã (HTX) Thanh Sơn (do anh làm Giám đốc) là mạng lưới sản xuất lúa giống cho Trung tâm Giống nông nghiệp và Thủy sản tỉnh, với diện tích mỗi năm khoảng 10ha. Nhờ có đầu ra ổn định mà sản xuất lúa giống rất phát triển tại địa phương.

“Riêng gia đình tôi luôn giữ diện tích sản xuất lúa giống 1ha, lúa hàng hóa 1,2ha. Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến “1 phải 5 giảm” nên năng suất lúa giống đạt khoảng 6 tấn/ha (lúa khô), lúa hàng hóa từ 7-8 tấn/ha (lúa tươi). Nhiều năm nay HTX chưa bao giờ bị hụt đầu ra, ngay từ đầu vụ đã ký hợp đồng bao tiêu nên xã viên rất yên tâm” – anh Ngỗ thông tin.

Nhờ biết cách sản xuất, áp dụng phương pháp tiên tiến, nhất là giảm lượng hạt giống gieo sạ nên chi phí sản xuất giảm xuống, lợi nhuận tăng lên. Thu nhập từ sản xuất lúa giống của gia đình anh Ngỗ khoảng 135 triệu đồng/năm, lãi ròng 100 triệu đồng/năm; thu nhập lúa hàng hóa trung bình khoảng 170 triệu đồng/năm, lãi ròng 150 triệu đồng/năm. Tổng lợi nhuận từ sản xuất lúa của gia đình giám đốc Ngỗ đạt 250 triệu đồng/năm.

Giúp nông dân làm giàu

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Ngỗ còn nhiệt tình chỉ dẫn cho xã viên, định hướng sản xuất và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi thành lập đến nay, HTX Thanh Sơn đã giúp cho nhiều nông dân trở nên khấm khá nhờ sản xuất lúa.

“Hàng năm HTX Thanh Sơn tổ chức đầu tư mua bán vật tư nông nghiệp để phục vụ cho thành viên và bà con trong vùng, chỉ thu tiền ở cuối vụ, giúp bà con giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận” – anh Ngỗ cho biết thêm .

Vị giám đốc “Hai Lúa” chia sẻ: “Trong canh tác lúa mình phải là người đi đầu, mình làm tại đồng ruộng nhà mình có hiệu quả thì bà con mới làm theo. Bên cạnh đó, do tôi điều hành HTX dựa trên lợi ích của tập thể và sự minh bạch, rõ ràng nên xã viên càng tin tưởng mà làm theo, HTX ngày càng đi lên, bà con cũng trở nên khấm khá”.

Ngoài hoạt động của HTX, anh Ngỗ còn đứng ra thành lập riêng 1 đội dịch vụ lao động việc làm nông thôn, số lượng 59 người, chuyên nhận những công việc làm thuê tại địa phương như cây lúa, khử lẫn trong làm lúa giống; tưới phân, xịt thuốc, vác lúa… Từ khi có việc làm ổn định, nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân của thành viên khoảng 40 triệu đồng/năm.

“Thành lập đội dịch vụ lao động việc làm góp phần tạo công ăn việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn thừa công thiếu việc, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, còn dễ dàng hòa giải những tranh chấp nội bộ trong dân, vận động bà con hiến đất làm đường, trồng hàng rào cây xanh, cùng nhau xây dựng nông thôn mới” – anh Ngỗ bộc bạch.

 

Theo danviet.vn



0.23076 sec| 1516.992 kb