Search
Thứ 4, 13/11/2019, 14:45 PM

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm đã nở rộ tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, ở một số nơi bà con nông dân đã nhìn ra những lợi ích lâu dài từ liên kết chăn nuôi theo chuỗi, chủ động xin tham gia HTX, bắt tay với doanh nghiệp để tiến tới chăn nuôi hiện đại...

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Cục Chăn nuôi, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) tổ chức chuyến khảo sát, kiểm tra mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại Hoà Bình và thăm trại gà bố mẹ, nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại Phúc Thọ (Hà Nội).

Xin vào HTX liên kết nuôi gà ri đặc sản 

Đoàn công tác đến xã An Bình, huyện Lạc Thuỷ (tỉnh Hoà Bình) thăm mô hình nuôi gà ri của HTX gà Lạc Thuỷ. Giữa vùng rừng núi An Bình xa xôi hình thành những trại gà ri thuần chủng nuôi theo mô hình bán chăn thả, áp dụng công nghệ cao, cứ đến giờ là gà tự chạy đến máng ăn, sau đó được nghe nhạc, “thể dục” dưới tán cây…

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Mô hình nuôi gà ri bán chăn thả của HTX gà Lạc Thuỷ (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình). Ảnh: Minh Huệ

"Khi nuôi gia cầm, những nông dân nhỏ lẻ sẽ không thể liên kết với doanh nghiệp, mà phải là các nhóm nông hộ, thông qua các tổ hợp tác, HTX. Thay vì phải ký kết với từng hộ nông dân, doanh nghiệp sẽ làm ăn với các tổ chức này, qua đó thành, nguyên liệu đầu vào, lo được thị trường...”.

Ông Tống Xuân Chinh

Anh Bùi Đông Giang - Giám đốc HTX gà Lạc Thuỷ, đồng thời cũng là hộ chăn nuôi gà quy mô 10.000 con ở xã An Bình, cho biết, HTX đang có hàng chục hộ thành viên cùng nuôi gà ri Lạc Thủy. Đây là giống gà bản địa được bà con nông dân nuôi từ lâu và hiện rất được thị trường ưa chuộng.

Gà mái trưởng thành có lông như màu lá chuối khô, đạt trọng lượng khoảng 1,5kg; gà trống lông màu đỏ mận chín, trọng lượng trên dưới 2kg, chân nhỏ, da vàng, không những cho chất lượng thịt thơm, ngọt mà còn khá dễ nuôi. Giá gà bán trên thị trường trung bình từ 85.000-90.000 đồng/kg, lúc khan hiếm có thể đạt 100.000 đồng/kg.

“Giống gà này thích hợp với phương thức bán chăn thả, quy mô hộ gia đình và trang trại. Hiện tổng đàn gà của HTX đạt 30.000 con gồm cả gà đẻ và gà thịt, trung bình mỗi hộ thành viên nuôi vài nghìn con, khoảng 4-5 tháng thì xuất chuồng. Toàn bộ sản phẩm của xã viên đều được HTX thu mua toàn bộ theo một giá cố định.

Cụ thể, gà giống giá 12.000 đồng/con, gà thịt mua theo giá thị trường. Bà con đều áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, HTX có phương án sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất gối đầu không làm ăn ồ ạt nên không bao giờ bị dư thừa, ế ẩm. Sau khi trừ chi phí, các thành viên có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng/1.000 con gà” - anh Giang nói.

Ngoài cung ứng gà thịt nguyên lông, HTX gà Lạc Thuỷ còn sơ chế ức gà, đùi gà rồi hút chân không bán cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và Hà Nội. Ngoài ra, HTX còn cung ứng con giống cho bà con có nhu cầu.

Riêng các trại gà bố mẹ, HTX đều áp dụng nuôi trong trại khép kín, cách biệt hoàn toàn với môi trường bên ngoài, có thể điều chỉnh được nhiệt độ, giờ cho gà ăn, uống, đảm bảo việc chọn tạo giống chuẩn, bảo tồn nguồn gen tốt của giống gà ri bản địa Lạc Thuỷ. Hiện giống gà này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu Gà ri Lạc Thuỷ.

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Đoàn công tác trao đổi với anh Bùi Đông Giang, Giám đốc HTX gà Lạc Thuỷ về hiệu quả của mô hình liên kết chăn nuôi gà. Ảnh: Minh Huệ 

Ông Dương Ngọc Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình đánh giá: “Mô hình nuôi gà của HTX gà Lạc Thuỷ áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt chuỗi liên kết từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ nên HTX đã gây dựng được thị trường riêng, đảm bảo lợi nhuận”.

Chuyển đổi chăn nuôi gia cầm bền vững

Bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi gà liên kết, trong đó lựa chọn những mô hình chăn nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, con giống phải được Bộ NNPTNT công nhận; quy trình chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

“Ưu điểm của liên kết chuỗi là bà con nông dân sẽ sản xuất theo kế hoạch, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, từ đó đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá thành giảm và yên tâm hơn về đầu ra, lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát” - bà Hạnh nói.

Liên kết nuôi gà lãi 50.000 đồng/con, nông dân xin vào HTX

Trứng gia cầm được rửa, sấy khô, soi chiếu tia UV diệt khuẩn tại nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân. Ảnh: Minh Huệ

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã đến thăm trại gà bố mẹ và nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân tại huyện Phúc Thọ, ông Phạm Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, nhà máy có công suất xử lý 65.000 trứng/giờ theo công nghệ tự động của Hà Lan. Trứng được xử lý và diệt khuẩn qua 8 công đoạn...

“Chúng tôi đang liên kết với các HTX, trang trại chăn nuôi gia cầm lớn tại Hà Nội và các vùng lân cận để thu mua trứng phục vụ chế biến” - ông Hùng thông tin.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Năm nay là năm cực kỳ khó khăn với người chăn nuôi khi dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề, giá cả biến động thất thường. Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có chuyển dần chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ, thuỷ sản để đáp ứng đa dạng nhu cầu thực phẩm của người và thay thế một phần thịt lợn đang bị thiếu hụt do dịch bệnh.

 

Theo Minh Ngọc (Dân Việt)



0.25132 sec| 1531.93 kb