Người dân ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum vẫn gọi ông Lê Xuân Phục (63 tuổi) là lão nông tài ba. Bởi ông có tài “biến” hơn 2ha đất đá sỏi thành khu vườn thanh long ruột đỏ; tự chế biến ra món rượu thanh long sạch và “hô biến” vườn cây ăn quả thành khu du lịch sinh thái homestay.
Vườn thanh long mỗi năm đem lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Ảnh: H.T
Bàn tay ta làm nên tất cả
Năm 2011, từ Lâm Đồng sang Kon Tum, lão nông Lê Xuân Phục ấp ủ ý định sẽ tiếp tục với nghề trồng rau, các loại cây hoa màu. Thế nhưng, khi mua 23.400m2 đất tại thôn 10, xã Đăk Ruồng, ý tưởng ấy bị dập tắt. “Đất đồi toàn đá sỏi, máy cày “bó tay”, làm rau la gim không ăn thua”- ông Phục kể.
Tình cờ xem tivi, thấy chương trình hướng dẫn trồng cây thanh long ruột đỏ, ông như được “mở đàng làm ăn”. Tuy nhiên vì loại cây này còn mới, ở Kon Tum chưa mấy ai trồng nên việc tìm giống khó khăn. Xem ti vi, thấy có công ty ở Bến Tre bán giống thanh long ruột đỏ, ông liền ghi lại số điện thoại rồi gọi đặt hàng.
“Lúc đó chưa có kiến thức nhà nông, kinh nghiệm về trồng trọt nhưng tôi gan lắm, không sợ bại. Nghĩ đơn giản: giống xương rồng sẽ dễ sống, dễ thích nghi, vậy là tôi làm” – ông cười khà khà.
Đứng trước đống đất đá cũng ngán ngẩm nhưng quyết là làm, ròng rã 3 tháng trời, một mình ông tự kéo 10 tấn lưới B40 rồi đổ 100 trụ để rào vườn và 500 trụ trồng thanh long. Làm trụ xong, do đất quá nhiều đá, máy khoan không được nên ông phải tự đào hố chôn trụ. Cứ 5h sáng, ông lại ra vườn cặm cụi làm đến 23h đêm mới nghỉ. “Tối, vợ đi bán đồ ăn về thì rọi đèn pin để tôi đào tiếp. Sau này làm không xuể, tôi mới gọi 20 nhân công cùng đào” – ông Phục nhớ lại.
Hoàn thành công đoạn đào hố, ông ngược xuôi xin rơm, vôi, trấu, phân bò để cải tạo đất, bổ sung dinh dưỡng cây trồng. Lúc trồng, vì khan hiếm nước, mỗi ngày ông hì hục kéo đường ống dài 250m từ sông lên, tưới từ 4h sáng đến 20h tối, chỉ nghỉ đúng 10 phút để ăn cơm trưa.
Nhẩm nhẩm tính, ông bảo: Vốn bỏ ra ngoài sức tưởng tượng. Cả giống, phân, trụ, rào… phải hơn 500 triệu đồng. May có anh em, bạn bè tin tưởng góp vốn cho mượn chứ mình tôi thì cũng chịu sầu.
Vườn cho trái ngọt
Ai nấy đều mê ly khi đứng trước vườn thanh long của ông Phục. Mỗi trụ, các cành đều mập, vươn dài đón nắng. Hất chiếc mũ, để lộ mái tóc hoa râm, ông Phục cười giòn: Thanh long dễ trồng nhưng không “dễ ăn đâu”, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới được như thế này đấy. Năm 2013, tôi thu lứa đầu được gần 100 triệu. Hồi đó cứ 1 quả nặng đến 1,5-1,6kg, có người còn tưởng tôi sử dụng thuốc kích thích, sợ không dám ăn.
Ông khẳng định mình không sử dụng thuốc hóa học lẫn sinh học mà trái vẫn tươi tốt, không sâu bệnh vì có “bảo bối” riêng. Đấy! Chỉ vào những can nhựa được treo trên mỗi cây thanh long, lão nông cười giòn tan: Dũng sĩ diệt sâu bọ đấy! Tôi xay nhỏ hạt na thành bột, trộn với mật ong, đường, giấm, quấy lên, cho tất cả vào xơ mít chín hoặc trái cây chín rồi để vô bình nhựa. Bao nhiêu con ong, con nhộng… đều sa vô đây rồi chết hết. Từ lúc trồng cây đến giờ, tôi chỉ làm như thế này chứ chưa bao giờ phun thuốc.
Với những bí quyết riêng cộng thêm kinh nghiệm và quá trình chăm sóc kĩ càng, chu đáo, mỗi năm vườn thanh long cho ông 8 đợt thu với khoảng 8 -10 tấn quả. Theo giá thành từ 20-25 ngàn/kg, ông thu về 250 triệu đồng; trừ các chi phí, lời được khoảng 150 triệu đồng.
Lại một lần tình cờ xem ti vi, thấy hướng dẫn cách làm rượu thanh long, thanh long sấy khô… ông nghĩ “họ làm được mình cũng làm được”. Với những quả loại nhất, ông đem bán; những quả bị ong chích hay đẹt hơn, ông làm sạch sẽ, mày mò để lên men tự nhiên, làm rượu thanh long.
Mới đầu chỉ làm uống chơi chơi, giới thiệu cho anh em, bạn bè cùng nhâm nhi khi đến thăm nhà. Uống rượu thấy ngon, hữu xạ tự nhiên hương, nhiều người cứ thế ghé lại hỏi, mua. 2 năm nay, mỗi năm ông làm khoảng vài trăm lít nhưng không đủ bán.
Nói về rượu thanh long của lão nông Lê Xuân Phục, ông Trương Hồng Doanh, xã Đăk Ruồng cứ gật đầu khen: Rất thơm, ngon, có vị ngọt, uống xong rất thanh. Đặc biệt rượu được lên men tự nhiên từ thanh long sạch, không chất bảo quản, không hóa chất nên an toàn. 2 năm nay, người dân nơi đây hay mua rượu thanh long về dùng.
Không dừng lại ở thanh long, ông Phục còn khiến nhiều người ngả mũ thán phục vì tài trồng cây ăn quả. Trên mảnh vườn, ổi không hạt, mít thái, mận, chanh không hạt, mắc ca…, cây nào cây nấy chi chít trái. Cắt ra, quả nào cũng ngọt, thanh, mát nên ai cũng rất thích.
Khi được nhiều người tấm tắc khen ngợi, ông Phục chỉ cười rồi bảo: Nhiều người xin giống về trồng, tôi cho, hướng dẫn kĩ lắm nhưng không trồng được. Chắc do tôi có duyên trồng cây.
Nhiều đoàn khách đến du lịch và ở lại. Ảnh: H.T
Tập làm du lịch
Ham học hỏi, ông Phục hay xem, tìm hiểu, làm theo những mô hình mới. Một lần thấy trên tivi chiếu về việc phát triển du lịch homestay tại các tỉnh phía Bắc, ông nghĩ bụng “Mình có vườn cây ăn quả sạch, có rượu thanh long tự làm, thêm đàn gà, vài con heo rừng lai tự nuôi, tại sao lại không làm du lịch, thu hút thêm nhiều người đến đây.
Tình cờ có một đoàn vào thôn làm từ thiện, ông mời vô uống nước, thăm mô hình của gia đình. Khi tham quan, những thực khách cứ động viên ông làm homestay và hứa sẽ kéo khách về giúp. “Lời họ nói trúng với điều tôi nghĩ, ý tưởng lại được khơi lên, thấy hợp lý, thế là tôi quyết làm” - ông Phục kể.
Ông bắt đầu xây dựng thêm căn nhà chòi với sức chứa khoảng 40 người và chuẩn bị đầy đủ chăn, gối, nệm… để cho du khách ở lại. Thêm vào đó, ông xây dựng thêm 2 phòng karaoke để phục vụ.
Đặc biệt, hiểu về xu hướng du lịch cộng đồng, lão nông Lê Xuân Phục còn liên kết, phối hợp với đội cồng chiêng của thôn để phục vụ du khách khi có nhu cầu đốt lửa trại, xem cồng chiêng, múa xoang…
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ông làm du lịch homestay một phần vì kinh tế nhưng một phần cũng muốn giới thiệu văn hóa, tính thật thà, chất phác của người dân nơi đây.
“Khi có đoàn đến, tôi gọi đội cồng chiêng đến để múa, biểu diễn, giới thiệu văn hóa của bà con. Sau đó, từ nguồn tiền họ chi trả, tôi gởi lại bà con để họ có thêm thu nhập” – lão nông tính toán.
Nhiều lợi thế nhưng ông cũng gặp nhiều bất lợi bởi hướng vào vườn hơi xa lại trái đường nên lượng khách chưa nhiều. Cùng với đó, đến bây giờ, điều ông lo nhất vẫn là vốn đầu tư.
Ông thủ thỉ: Đang tính làm thêm theo ý tưởng tự phát của mình mà cũng “kẹt” quá. Nguồn nước nơi đây cũng khan hiếm, vừa rồi có đoàn của tỉnh về, nói để đầu tư thêm nhưng tôi chờ chưa thấy. Trước mắt tôi cứ làm dần dần...