Nuôi 200 đàn ong, 30 con hươu sao, ông Nguyễn Văn Chinh ở thôn Lương Quy (xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng) là một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương trong nhiều năm nay.
Mùa xuân là mùa bận rộn đối với ông Chinh khi ông vừa đi “gửi” mấy trăm đàn ong đến các vườn hoa xa xôi để kiếm mật, vừa chăm bẵm đàn hươu vào mùa lên lộc.
Rong ruổi theo những mùa hoa
Nuôi nhiều ong, nguồn hoa tại chỗ không đủ cho ong lấy phấn làm mật nên quanh năm ông Chinh phải gửi ong đến những nơi có nhiều hoa. Vì thế, ở đâu trên khắp đất Hải Phòng, mùa nào có nhiều hoa nở, ông đều biết rất rõ.
Ông Chinh bên một đàn ong
Bây giờ, khi xuân mới sang, sắp vào mùa thu hoạch chính, ông lại cho những thùng ong lên xe máy, mỗi chuyến chằng buộc đến 9 - 10 thùng, cứ thế chở đến các vườn hoa.
Mùa hoa vải, hoa nhãn, ông đưa ong đến xã Bát Trang (huyện An Lão), xã Tràng Duệ, Quốc Tuấn (huyện An Dương). Hết mùa hoa vải, nhãn, ông dẫn ong về Thủy Đường, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) hút mật hoa bạch đàn, hoa sú vẹt… Đến tháng 9, ong lại về Bát Trang (An Lão) vào mùa hoa táo. Gửi những thùng ong ở đó, cứ vài ngày ông lại đến kiểm tra một lần. Cuối năm, hết mùa hoa táo, ông đưa đàn ong về làm ong giống để sang xuân khai thác mật.
Trước đây, ông Chinh nhiều năm lặn lội thu mua chè trên Thái Nguyên, buôn về Hải Phòng. Vì say mê con ong nên ông thường theo người dân địa phương vào rừng lấy mật ong và còn chịu khó quan sát, học hỏi những người nuôi ong ở đây. Hơn chục năm nay, ông bỏ hẳn nghề buôn chè, chuyển sang gắn bó với con ong mật.
Từ số vốn 900 nghìn đồng để mua 3 đàn ong ban đầu, ông tự nhân giống lên hàng trăm đàn. Hằng năm, ông duy trì 200 đàn ong cho mật và tạo thêm 70 - 80 đàn ong giống cung cấp cho những người nuôi ong.
Nhờ say mê tìm tòi, học hỏi, ông Chinh trở nên rất “mát tay” tạo ong chúa để nhân giống đàn ong. Ông chia sẻ cách tạo ong chúa: “Tôi lấy sáp của ong non, nấu cách thủy rồi dùng khuôn tạo thành hình núm. Đặt núm này vào tổ ong rồi cấy ấu trùng ong chúa lần thứ nhất, sau một ngày lại cấy ấu trùng lần thứ 2. Sau khoảng 10 ngày sẽ nở thành ong chúa. Việc cấy ấu trùng hai lần giúp tạo ra ong chúa to, khỏe, đẻ nhiều trứng và tỷ lệ trứng được thụ tinh cao (mỗi ngày ong chúa này sản xuất 700 - 900 trứng)”.
Khi đàn ong phát triển đông lên thì ông chủ động tạo thêm ong chúa mới để chia tách đàn. Cũng có khi ong chúa đẻ nhiều, đàn ong trở nên đông đúc, nguồn thức ăn dư thừa thì đàn ong tự xây mũ chúa mới để chia đàn một cách tự nhiên. “Tuy nhiên cũng có khi đàn ong có thêm chúa mới khi chưa đủ điều kiện thì phải hủy ngay ong chúa mới để tránh chia đàn thành hai đàn đều yếu kém, sẽ không khai thác được mật. Vì thế, cần luôn chú ý theo dõi, kiểm tra đàn ong xem tình trạng ong chúa như thế nào: chúa còn, mất hay có thêm chúa mới; chúa khỏe hay yếu, đẻ trứng ra sao…”, ông Chinh cho biết.
Chủ nhân chỉ cần nhìn qua là biết tình trạng đàn ong, nhất là biết ong khỏe hay ong bệnh. Những bệnh thường gặp ở ong là thối ấu trùng, ấu trùng teo đi, chúa đẻ ra trứng nhưng trứng không nở… Khi đó cần có cách xử lý hiệu quả, kịp thời.
Vụ mật chính vào mùa xuân, mỗi đàn ong cho 7 - 8 lít mật. Nếu trời nắng đẹp, đàn ong mỗi tuần cho khai thác mật một lần. Những mùa hoa khác, ong cho mật ít hơn. Trung bình mỗi năm, ông Chinh thu trên 1 nghìn lít mật ong. Ông thu hoạch đến đâu, bán hết veo đến đấy, giá bán lẻ cũng như bán buôn là 250 nghìn đồng/lít. Ông còn cho biết, nhiều người ở đảo Cát Bà - nơi có thương hiệu nổi tiếng “mật ong Cát Bà” - vẫn thường xuyên mua mật ong của gia đình ông đem ra đảo gắn mác “mật ong Cát Bà” bán với giá cao.
Khi được hỏi về mật lấy từ ong chỉ chuyên ăn đường, ông Chinh thẳng thắn: “Tôi cũng như nhiều người nuôi ong chân chính khác, chỉ cho ong ăn thêm đường vào mùa đông rét mướt có ít hoa hoặc trời mưa gió, ong không thể đi lấy mật được. Việc cho ong ăn đường này giúp ong tồn tại chứ không phải để khai thác mật. Mật từ đàn ong chuyên ăn đường sẽ nhanh chóng kết thành váng đường, mật không thơm, kém dinh dưỡng, tác dụng chữa bệnh hạn chế…”. |
Không chỉ có mật ong, ông Chinh còn bán nhiều đàn ong giống và cả sữa ong chúa. Thế là từ một số vốn nhỏ, cùng với quá trình lao động cần mẫn như con ong, sau ít năm ông Chinh đã có một cơ nghiệp kha khá. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư nuôi đối tượng mới: Hươu sao.
Mát tay nuôi hươu
Năm 2007, ông Chinh bỏ ra 50 triệu đồng mua 5 con hươu gồm 3 con cái, 2 con đực. Hai năm sau, ông thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Ông nhân đàn lên liên tục, đến nay đàn duy trì 30 con và hằng năm bán nhiều hươu giống.
Ông Chinh thuộc lòng tính nết từng con trong đàn, con này hiền lành, con kia dữ tợn, con khác lại “hay ghen”… Chiều chiều, ông lại đi kiếm thức ăn cho hươu, từ cỏ lá trong vườn, ngoài đồng; vỏ mít, vỏ dứa… ngoài chợ. Ông ngăn riêng chuồng hươu đực, hươu cái. Hươu đực để lấy nhung, hươu cái để sinh sản. Khoảng tháng 5 - 7, hươu cái vào mùa động dục thì chủ nhân chọn con đực tốt nhất trong đàn, thả vào chuồng hươu cái để phối giống. Mỗi năm một con hươu cái sinh được một hươu con.
Việc cắt nhung hươu là một kỹ thuật khó. Theo ông Chinh, nếu cắt không đúng cách, hươu khó phục hồi để lấy giống về sau. Nhiều hộ nuôi hươu sao trên địa bàn thành phố phải nhờ ông Chinh cắt nhung giúp.
Ông Chinh giới thiệu hệ thống chuồng nuôi hươu
Hằng năm đàn hươu của ông cho 15kg lộc, giá bán 20 triệu đồng/kg, đều được khách đặt hàng từ trước. Trong đàn, có con cho 900gr lộc nhung/lần, lại có con mọc lộc 2 lần trong năm.
Ông Chinh còn dạy nghề nuôi ong và nuôi hươu miễn phí cho những người có nhu cầu, giúp nhiều nông dân phát triển nghề. Nhiều năm qua, ông liên tục được chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện và thành phố bầu chọn là hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu.