Sâm Ngọc Linh được coi là “thần dược xóa nghèo” cho người dân vùng Ngọc Linh, nhưng để có cây giống không phải dễ. Mua củ sâm đã khó, nay tìm cây giống càng khó hơn. Ngay tại “thánh địa” sâm Ngọc Linh, cây giống cũng bị làm giả...
Giả mạo từ củ đến cây sâm
Hiện cả nước chỉ có 2 tỉnh có cây sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm trồng sống ở độ cao 1.200-2.000m trong hệ thống núi Ngọc Linh quanh năm mây mù, đó là Quảng Nam và Kon Tum. Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 300ha sâm tập trung chủ yếu ở huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, thuộc quản lý của Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Nhiều năm nay, giá trị của sâm Ngọc Linh liên tục tăng cao, cung không đủ cầu nên sinh ra tình trạng giả mạo từ củ đến cây sâm để kiếm lời.
Vườn ươm cây sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Ảnh: L.K
Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu đặc thù. Riêng tại huyện Tu Mơ Rông, dự kiến đến năm 2020, toàn bộ diện tích trồng sâm của huyện sẽ có trên 500ha, gồm: Phối hợp với các doanh nghiệp 475ha và hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 25ha tại địa bàn 7 xã Đăk Na, Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông. Mục đích giúp người dân xóa đói giảm nghèo và góp phần xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh. |
Vào “thánh địa sâm Ngọc Linh” ở huyện Tu Mơ Rông hỏi mua giống sâm về trồng, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu ra dấu không biết, không có. Ngay cả người được bà con xã Tê Xăng gọi “vua sâm” A Hình cũng cười khổ sở: “Bây giờ mua được giống sâm Ngọc Linh rất khó, thậm chí mua không có. Sâm giống trong tự nhiên lâu nay khai thác cạn kiệt, trong khi người dân, công ty ươm giống chỉ đủ dùng…”. Còn ông A Tôn – Chủ tịch HĐND xã Măng Ri thì cho biết: Ngày trước, quanh chân núi Ngọc Linh tìm thấy sâm không hiếm, nhưng giờ khó lắm. Người dân biết cây này có giá trị nên rất quý, hầu như nhà nào cũng có trồng vài chục đến trăm gốc nhưng họ giấu không muốn người khác biết vì sợ trộm. Để có giống trồng, nhiều hộ liên hệ người quen ở Quảng Nam để mua, số khác làm công cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum mới được họ hỗ trợ cây giống về trồng.
Hiện tại, giá sâm Ngọc Linh dao động từ 30-150 triệu đồng/kg khiến cho việc săn lùng mua củ lẫn cây giống vô cùng ráo riết. Hám lợi, một số kẻ xấu lợi dụng lấy giống sâm giả bán cho người có nhu cầu ngay tại “thánh địa” sâm Ngọc Linh, phổ biến nhất là dùng cây tam thất. Theo ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (quản lý nhóm liên kết trồng sâm với Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum), ông đã 2 lần phát hiện cây tam thất được trồng lẫn lộn trong vườn sâm Ngọc Linh của dân. Lần đầu là chuyến đi công tác sang xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), tham quan vườn sâm của 1 hộ dân, phát hiện có khoảng 50 cây tam thất trồng xen trong vườn sâm Ngọc Linh. Lần khác là tại địa bàn xã Măng Ri, lúc đó một số hộ dân kháo nhau ở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) có bán giống nên mua về trồng. Thấy vậy ông đến kiểm tra phát hiện đó là cây tam thất…
Hiện nay, tra cứu trên các trang mạng xã hội về cây giống và củ sâm thì xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao bán “hàng thật, giá thật 100%”. Một đầu mối tại huyện Đăk Hà còn tự tin khoe có sâm trồng tại vườn giá 60 triệu đồng/kg đối với loại 3-4 củ, không tin có thể đến tận vườn xem. Đem câu chuyện này chia sẻ với ông A Sỹ, ông nói: Giờ người ta lừa tinh vi lắm, cây có cả lá, đất bám rễ… nên nếu không rành vẫn mua trúng hàng dỏm.
Ông A Hơn – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tôi có nghe thông tin sâm giả trà trộn vào địa bàn nhưng chưa xác định được cụ thể. Về giống sâm Ngọc Linh, lâu nay một số hộ dân tự chủ động nhờ trồng nhiều năm, số khác lên rừng kiếm về nhân giống trồng. Riêng một số hộ dân dưới chân núi Ngọc Linh có tham gia liên kết, làm công cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum thì được hỗ trợ giống cây con, chứ ngoài thị trường mua không có. Nếu ai nói có cây giống sâm Ngọc Linh bán thì cần xem xét kỹ, tránh bị lừa”.
Sẽ có nơi bán cây giống thứ thiệt
Cây sâm Ngọc Linh thật. Ảnh: T.L
Theo ông A Sỹ, cây tam thất thoạt trông rất giống sâm Ngọc Linh, nhưng quan sát kỹ vẫn phân biệt được. Tam thất có 7 lá kép trong khi sâm Ngọc Linh có 5 lá kép. Thân của cây sâm giả nhợt, hơi tím hơn sâm Ngọc Linh. Còn phần củ thì cây sâm giả mắt tròn, củ dài, nhiều mắt, thân mọng và màu sẫm; sâm Ngọc Linh thật đốt ngắn, mắt to, chắc, màu vàng tươi... Sâm Ngọc Linh thật khi ăn có vị đắng và ngọt, còn sâm giả vị cũng khá giống nhưng rất khé cổ, khó nuốt. Nếu dùng phải củ tam thất thì không sao vì nó cũng có dược tính tốt nhưng nếu sử dụng củ cây khác giống sâm được tẩm hóa chất thì nguy hiểm khó lường…
“Đối với những người dân đang tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh, nếu phát hiện tham gia buôn bán sâm Ngọc Linh giả sẽ loại, không cho tham gia vào nhóm nữa. Đó cũng là một trong các biện pháp mà người dân Măng Ri đang làm để bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh” - ông Sỹ nói.
Trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô, ông khẳng định: “Tỉnh Kon Tum chỉ có 2 đơn vị trồng bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh là Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Vì vậy, nếu hai đơn vị này không có giống bán ra thị trường mà ở ngoài bán nhan nhản thì chắc đó là hàng giả. Do đó, các cơ quan chức năng cần truy xuất nguồn gốc từ đâu mà có, tránh nhiễu loạn cho người tiêu dùng. Đơn vị tôi bảo tồn giống từ trước năm 2000, đến nay còn chưa đủ giống thì người khác lấy đâu ra nguồn để bán…”.
Ông Chung cho biết thêm: “Trước nhu cầu giống của người dân, dự kiến trong năm nay đơn vị sẽ đưa một phần cây giống cung ứng ra thị trường. Vấn đề giống cây và củ sâm giả trà trộn sâm thật không ảnh hưởng lớn đến tên tuổi sâm Ngọc Linh của công ty, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và sức khỏe người tiêu dùng. Việc này cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm”.
Theo Dân Việt