Đang giữa vụ thu hoạch, nhưng giá mía trên địa bàn tỉnh Long An rớt thảm chỉ còn 100.000 – 250.000 đồng/tấn…
Lỗ nặng cũng bán
Cánh đồng mía xã Lương Hòa (Bến Lức) rộng 1.400ha, nhiều rẫy đã trổ cờ trắng, nhưng thương lái… bặt tăm. Đi dọc cánh đồng mía này cũng chỉ bắt gặp rẫy mía của ông Nguyễn Văn Long là có thương lái đang cho nhân công đốn mía. Nhưng hỏi ra mới biết, thương lái này là… cháu ông Long.
Ông Nguyễn Văn Long ngồi buồn bã nhìn nhân công dọn sạch rẫy mía. Ảnh: T.Đ
"Chưa bao giờ giá mía lại rớt thê thảm như vụ này. Tết đang đến, không bán được mía bà con nông dân đón tết sẽ kém vui. Xã đang nghĩ đến việc tìm hướng hỗ trợ nông dân trồng mía thua lỗ”. Ông Ngô Tấn Thời |
“Giờ thương lái ngại mua mía cho nông dân lắm. Nếu mua thì phải chở đi tận Tây Ninh, Bến Tre, thậm chí Hậu Giang để bán cho nhà máy mía đường. Đi như vậy lỗ vốn lấy gì ăn” - ông Long thổ lộ.
Ông Long cho biết, năn nỉ riết, người cháu của ông mới chịu mua mía nhưng chỉ với giá 200.000 đồng/tấn, lỗ nặng. “Với giá này chỉ đủ tiền phân bón. Nhưng không bán chẳng lẽ để mía chết khô trên đồng, rồi lại tốn thêm tiền thuê nhân công dọn rẫy” - ông Long trần tình.
Chỉ cách nhau 30m, nếu ông Long bán được 200.000 đồng/tấn mía thì rẫy mía của anh Lưu Đi chỉ bán được 100.000 đồng/tấn. “Tôi vừa bán 4ha mía với giá 100.000 đồng/tấn. Thương lái chê xa nên mua giá rẻ. Lỗ nhưng cũng phải bán để gỡ gạc, tái đầu tư cho vụ sau” - anh Đi chia sẻ.
Một nông dân khác ở xã Lương Hòa cho biết, vừa bán 1ha mía với giá 4 triệu đồng. Thương lái cho nhân công đốn hết 3/4 rẫy mía, còn 1/4 bỏ lại do không bán được cho nhà máy, khiến chị mất thêm cả triệu đồng thuê nhân công dọn phần mía còn lại trên rẫy.
Chị Hà Thị Lộc - một thương lái thu mua mía cho biết, tình hình nông dân trồng mía ở xã Bình Đức (Bến Lức) còn thê thảm hơn. Nhiều rẫy mía nằm sâu trong nội đồng giờ có cho cũng không nhận, vì công đốn và vận chuyển là thương lái cầm chắc lỗ.
Theo nhiều nông dân trồng mía, niên vụ này năng suất mía đạt cao, khoảng 90 - 100 tấn/ha, nhưng giá mía chỉ 100.000 - 250.000 đồng/tấn, trong khi bình quân 1ha chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện tỉnh có khoảng 8.000ha mía, tập trung tại 4 huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, trong đó, Bến Lức có 6.000ha. Hiện có khoảng 1.000ha mía đã thu hoạch xong với giá dao động 100.000 - 250.000 đồng/tấn.
Tết “đắng”…
Ông Hai Long ngồi tần ngần trên đống mía, mặt buồn so nhìn nhân công đang dọn sạch rẫy mía của mình. “Vụ mía năm ngoái tui bán mía được 65 triệu đồng, ăn tết to. Vụ mía này lỗ sâu, không có tiền ăn tết rồi” - ông Long cười buồn.
Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - ông Ngô Tấn Thời cho biết, hiện nông dân trồng mía đang gặp khó khăn vì không tìm được đầu ra. Nhiều hộ chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn không thể bán được.
Được biết, vừa qua huyện Bến Lức tổ chức đối thoại giữa Công ty Mía đường Tây Ninh với hơn 40 hộ dân trồng mía trên địa bàn. Sau cuộc đối thoại, phía doanh nghiệp đồng ý thu nhưng yêu cầu nông dân phải làm sạch, giảm tạp chất trước khi vận chuyển đến công ty.
Mặc dù giá thu mua của Công ty Mía đường Tây Ninh cao nhưng nông dân phải thuê nhân công đốn mía và chịu phí vận chuyển đến nhà máy. Trong khi bán cho thương lái, nông dân không phải thuê nhân công và vận chuyển, thương lái cũng không đòi hỏi chữ đường cao như nhà máy…
Mới đây, sau thời gian ngừng sản xuất do thua lỗ, Công ty cổ phần NIVL (trụ sở tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) đã tổ chức thu mua mía lại cho nông dân trên địa bàn.
Theo ông Thời, việc công ty này thu mua mía lại cho nông dân đáng lo hơn đáng mừng. “Hiện thương lái đang tổ chức thu mua mía trong nông dân bán cho công ty này. Tuy nhiên, công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn và nợ nần. Khả năng lớn là họ không có tiền thanh toán cho thương lái và thương lái sẽ không có tiền trả cho nông dân. Không khéo nợ chồng nợ” - ông Thời lo lắng.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - ông Nguyễn Chí Thiện, hiện nông dân trồng mía gặp khó khăn do giá mía thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh và khan hiếm nhân công. Tỉnh đang tích cực tìm đầu ra cho cây mía. Về lâu dài, ngành phối hợp đơn vị liên quan xây dựng vùng mía nguyên liệu, có cơ chế phù hợp, nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để chuyển đổi, thay dần cây mía.
Theo dân việt