Giá heo hơi hôm nay 4/12 tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc ở nhiều nơi sau khi Công ty Chăn nuôi CP thông báo tăng giá nhẹ 500 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi ở nhiều địa phương đạt 74.000 - 75.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 4/12 tại miền Bắc: Tăng nhẹ
Theo ghi nhận của Dân Việt, sau khi Công ty Chăn nuôi CP thông báo tăng giá heo hơi lên thêm 500 đồng/kg, giá heo hơi hôm nay 4/12 ở miền Bắc đã tăng nhẹ trở lại, đạt mức 74.000 - 75.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá heo hơi ở Hà Nam, Thái Bình, Nam Định đạt 74.000 đồng/kg; giá heo hơi ở Hưng Yên đạt 75.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi ở Ninh Bình, Yên Bái, Thái Nguyên đạt 77.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, giá heo hơi đạt 73.000 - 74.000 đồng/kg; giá heo hơi tăng cao đã lập tức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố.
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,75% so với tháng trước, tăng 4% so tháng 12/2018 và tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 3,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 11, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước: Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,34%, trong đó thực phẩm tăng 3,34% do giá thịt lợn tăng mạnh 17,07% so với tháng trước bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, kéo theo giá thực phẩm chế biến tăng lên.
Bên cạch đó, giá một số loại thực phẩm được sử dụng thay thế thịt lợn cũng tăng như thịt bò tăng 1,68%, thịt gia cầm tăng 2,06%.
Giá heo hơi hôm nay 4/12 khởi sắc ở miền Bắc, đạt 74.000 - 75.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
Giá heo hơi hôm nay 4/12 tại miền Trung – Tây Nguyên: Ổn định
Giá heo hơi hôm nay 4/12 ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục duy trì trạng thái ổn định. Theo đó, giá heo tại các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh duy trì trong khoảng 70.000 – 74.000 đồng/kg và lượng hàng rất khan hiếm.
Trong khi đó, giá heo hơi ở Đắk Lắk đạt 73.000 đồng/kg; Khánh Hòa, Bình Thuận giá heo hơi được cập nhật lên mức 70.000 đồng/kg; Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam giá heo hơi hôm nay đạt 68.000 - 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá thịt heo tăng sốc 30 - 40% khiến các tiểu thương lẫn người mua đều phải kêu trời. Bà Tạ Thị Giàu, tiểu thương bán thịt heo tại chợ trên đường Trần Quang Diệu (TP. Quảng Ngãi) cho biết, giá heo hơi đã tăng lên 70.000 đồng/kg hơi, giá tăng cao khiến sức mua giảm hẳn. Trước kia, mỗi buổi chợ chị bán được 50 - 60 kg thịt thì nay giảm chỉ còn một nửa. Chợ ế, khiến các tiểu thương giảm một nửa lượng hàng nhập về. Đã giảm số lượng vẫn bán không hết, nhiều ngày họ còn chịu lỗ do hàng tồn.
Giá heo hơi hôm nay 4/12 tại miền Nam: Khởi sắc
Giá heo hơi hôm nay 4/12 ở miền Nam cũng rục rịch tăng giá trở lại sau thông tin CP tăng giá heo hơi thêm 500 đồng/kg ngày hôm nay. Mức giá tốt nhất tại khu vực miền Nam cũng đã đạt 75.000 đồng/kg tại Tiền Giang, Trà Vinh, đây cũng là 2 địa phương ghi nhận tăng giá trong hôm nay. Đại đa số các địa phương heo hơi được bán với giá từ 70.000 – 73.000 đ/kg.
Giá heo hơi tại Đồng Nai đạt 72.000 - 73.000 đồng; trong khi giá heo hơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 72.000 - 73.000 đồng/kg.
Nhu cầu từ nay đến cuối năm thiếu hụt hơn 300.000 tấn thịt heo nên phải tính phương án cho nhập khẩu. Ảnh: I.T
Giá heo hơi tăng, sợ thiếu, cho nhập khẩu
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt heo và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 cũng đã có chỉ đạo đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để cùng với Bộ Công Thương có phương án nhập khẩu thịt lợn ở các nước có thương mại hai chiều với nước ta.
Trước hết, trong nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh – những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình.
Thứ trưởng cho hay: Một trong những biện pháp đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.
Quan trọng hơn nữa là chúng ta cũng kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù chúng ta thiếu nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia chúng ta cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có hai quốc gia này. Vì vậy dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lại có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình trong nước, cung-cầu, với các biện pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung trong nước. Trước khi có số liệu chính thức từ Bộ NN&PTNT, chúng tôi cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo được lượng lợn nhập khẩu ở các nước và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.