Ông Lý Vang Sam (SN 1965) ở bản Piêng Sài, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La không thể đếm hết số cây gỗ trong khu rừng rộng cả trăm ha của gia đình. Nhiều cây gỗ có giá trị tương đương cả cây vàng. Sau hơn 20 năm kiên trì trồng cây, gây rừng, ông Sam đã có cả một khu rừng vàng.
Tỉa 1 cây, trồng 10 cây
Lên Tây Bắc mùa này, điều đập vào tầm mắt là những quả đồi trọc nối dài tít tắp từ Hòa Bình cho tới Sơn La. Ấy vậy mà đi qua xã Chiềng Yên vẫn còn một mảng rừng xanh biếc. Đặc biệt là ở bản Piêng Sài do ông Lý Vang Sam làm Bí thư Chi bộ hầu như không có đồi núi trọc.
Cây lát này của ông Sam được trả 30 triệu đồng. Ảnh: X.T
Con đường bê tông vừa trải phẳng lì dẫn vào khu rừng tràn ngập cây to, cao sừng sững. Hương rừng thoang thoảng, làm dịu bớt cái nắng oi bức của mùa hè.
Gặp ông Sam bên bìa rừng, không ai nghĩ, người đàn ông Dao này đã làm được những việc phi thường. Ông Sam có nước da bánh mật, thân hình cao gầy, tóc đã ngả màu muối tiêu, nhưng nom còn tráng kiện lắm. Ông bước đi thoăn thoắt, giọng nói khỏe khoắn và ánh mắt ngời lên niềm vui.
Nhắc đến rừng, như vui hơn, trên gương mặt người nông dân một nắng hai sương tràn đầy hy vọng. “Ở với cây, với rừng là vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất” - ông Sam chia sẻ khi dẫn chúng tôi đi thăm rừng. Rừng vây quanh lấy ngôi nhà gỗ của ông Sam. Ba bề, bốn phía nơi nào cũng thấy cây cối dựng thành vách. Đám xoan đã 20 tuổi, thân cao tới 20m cứ nối nhau dài tít tắp. Hết rừng xoan đến rừng lát, rừng chò chỉ. Có những cây lát to hơn một người ôm. Dưới tán rừng là bạt ngàn cây sa nhân. Giống cây chỉ sống dưới tán cây to và là nguồn dược liệu quý giúp ông Sam có thu nhập rất ổn.
Ông Sam leo dốc nhanh như sóc. Đôi chân rắn rỏi đó đã đi mòn đất này để chăm sóc cho khu rừng mà ông dày công tạo dựng. 20 năm qua, gia đình ông kiên trì đào hố, trồng cây, phát tán cây. Và rừng đã trả ơn cho gia đình ông xứng đáng. Dừng lại bên cây lát đại thụ, ông Sam không giấu được niềm vui: “Cây lát này họ trả tôi 30 triệu đồng, nhưng tôi không đồng ý bán. Trong rừng của tôi hiện có nhiều cây như thế này mà tôi đếm không xuể”.
Cái thời bà con đổ xô trồng cây ăn quả, ông Sam vẫn kiên trì trồng cây, gây rừng. Ông cho rằng, trồng rừng chẳng bao giờ lo thiệt. Bây giờ rừng xoan, rừng lát, chò chỉ đều đã phủ xanh đất này. Mỗi cây xanh trong rừng giờ đều có thể quy ra vàng. Ông thích bán lúc nào chỉ cần “a lô” một câu là thợ buôn gỗ xếp hàng đến. Từ khi khu rừng này hình thành đến nay đã ngoài 20 năm có lẻ, giờ ông Sam “sờ” vào chỗ nào cũng ra tiền. Sa nhân được mùa ông thu được nửa tỷ đồng, chưa kể đàn bò 50 con, nhà cần tiền thì bán.
Đi mỏi chân, chùn gối vẫn chưa hết đất của ông Sam. Cánh rừng nọ nối liền cánh rừng kia dài tít tắp. Ấy vậy mà ngày nào ông Sam cũng đi kiểm tra và ngắm cây. Khi tỉa đi một cây, ông Sam trồng thêm 10 cây. Nhờ đó mà khu rừng mỗi ngày một giàu đẹp hơn. “Cánh buôn gỗ làm nhà sàn, mỗi khi vào rừng rất thích đám xoan 20 năm tuổi, có cây họ trả cả chục triệu đồng, mà ở rừng của tôi có cả nghìn cây như thế” - ông Sam kể.
Sau 20 năm gây dựng, ông Sam đã trồng được cả trăm ha rừng. Ảnh: X.T
Nhìn xa trông rộng
Khu rừng của ông Sam ngày ngày tỏa bóng mát, mỗi cây rừng là một dấu tích mang đậm công sức của gia đình ông. Người đàn ông Dao này đã biết nghĩ khác và làm khác, thay vì phá rừng, ông lại đi trồng rừng.
Ấy là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, cây giống còn được chở tới tận trung tâm xã phát cho bà con trồng như cây lát, xoan, chò chỉ… Khi đó nhiều người sống ở miệt rừng này đã quen với cảnh cứ vào rừng là có cái ăn, nên chẳng ai nghĩ đến việc trồng rừng.
Rồi những cánh rừng cổ thụ cũng bị bật gốc bởi bọn lâm tặc và nhanh chóng biến thành đồi trọc.
Ngồi trong căn nhà gỗ của gia đình, ông mơ tưởng về cái thời đại ngàn ngân nga tiếng lá cây xào xạc, tiếng suối chảy róc rách. Người Dao chỉ hạ vài cây gỗ khi làm nhà chứ không tàn sát rừng. Khi các gã lâm tặc ở miền xuôi lên dụ dỗ bà con chặt cây, bán gỗ, nhiều kẻ mờ mắt nghe theo, ngày đêm đốn hạ cây cổ thụ để kiếm bữa ăn. Rừng từng ngày chảy máu, tan hoang và xót xa. Chẳng ai ngăn nổi họ, chỉ đến khi rừng không còn gì khai thác họ mới chịu dừng lại.
Khi ấy, ông Sam cứ lang thang qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác rồi tự hỏi, bao giờ màu xanh của rừng mới trở lại xứ này? Và khi Nhà nước cho cây giống để trồng rừng, ông Sam đã không bỏ lỡ dịp may này. Xã giao cho bao nhiêu đất ông nhận tất. Bản thân các thành viên trong gia đình ông cũng phân vân vì gạo ăn khi đó còn chẳng đủ nói chi đến việc trồng rừng mà mấy chục năm sau mới có thu hoạch.
Yêu cây, yêu đất, nên ông đã động viên vợ con, trồng cây gây rừng chưa bao giờ là muộn cả. Ngày ngày, ông cùng vợ con gùi từng cây giống lên đồi cao trồng. Thấy vợ chồng ông chuyển xuống thung lũng trồng rừng xa trung tâm xã cả ngày đường, ai cũng cho là hâm dở. Có người còn bảo: “Lão Sam hâm dở này làm cái việc chở củi về rừng đó được bao lâu. Chẳng chóng thì chày cũng buông xuôi cho mà xem”. Bỏ mặc những lời qua tiếng lại, chí ông đã quyết là thực hiện cho bằng được.
Khu đồi trọc năm nào có mồ hôi của ông rơi xuống đã biến thành đồi cây. Sau mỗi năm, diện tích rừng cứ dần mở rộng. Ngày nối ngày, mùa nối mùa qua đi, chẳng mấy chốc vợ chồng ông Sam đã phủ xanh cả trăm ha đất. Có cây là có rừng, là nguồn động viên gia đình ông vượt qua gian khó. Khi cây đã dần phủ xanh đất trống đồi trọc, ông mạnh dạn đưa cây sa nhân vào trồng dưới tán rừng. Sau 3 năm, cây sa nhân cho thu hoạch. Chúng được nuôi dưỡng dưới tán rừng nên phát triển rất nhanh.
Theo Xuân Tuấn (Dân Việt)