Tận dụng những khoảnh đất trống quanh nhà hay mảnh vườn nhỏ, nhiều hộ dân ở xã Định Thành (Thoại Sơn, An Giang) trồng cây sơ-ri, trước là để ăn, nhiều thì bày bán ngay trước nhà. Dần dần, cái nghề tưởng “làm chơi” này trở thành nguồn thu nhập quan trọng của không ít gia đình.
Thu hút khách đi đường
Theo Tỉnh lộ 943, hướng Long Xuyên vào Thoại Sơn, khi vừa qua thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn), khách đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều loại trái cây miệt vườn tươi ngon bày bán dọc 2 bên đường. Nào là sen tươi, mãng cầu xiêm, chuối, ổi, mít; nào là bắp luộc, bắp sống, khô cá lóc, cá sặc bổi, các loại mắm… Các loại sản vật này chủ yếu do người dân tự trồng hoặc tự chế biến nên đúng chất “cây nhà lá vườn”, được du khách ưa chuộng.
5 kg sơ ri cho hơn 30 phút hái trái
Bà Nhị đang cân sơ ri cho khách
Bà Nguyễn Thị Nhị (60 tuổi, ngụ ấp Hòa Phú) cho biết, nhờ nghề cân sơ-ri bán lại cho khách đi đường, mỗi ngày bà kiếm được hơn 200.000 đồng tiền lời. “Đối với sơ-ri chín hoặc nửa sống nửa chín, giá bán lẻ từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Với dân chuyên thu gom rồi bán lại như tôi thì lời ít hơn, còn những hộ trồng được vài trăm gốc, tự thu hoạch mang ra bán, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Những hộ trồng được vài công sơ-ri, mỗi ngày có thu nhập cả triệu đồng. Từ khi có cây sơ-ri, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định” - bà Nhị chia sẻ.
Chị Trần Ngọc Mỹ, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), cho biết, dù các chợ ở TP. Long Xuyên đều có bán sơ-ri những mỗi khi có việc vào Thoại Sơn, chị đều ghé mua sơ-ri. “Thấy người dân trồng, hái trái tại chỗ mình cũng yên tâm. Đặc biệt là sơ-ri rất tươi ngon, căng mọng, chấm muối ớt ăn là hết xảy. Lần nào mang sơ-ri từ Thoại Sơn về, đám bạn đều khen lấy khen để. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn rủ nhau vào tận vườn sơ-ri, tự tay bẻ trái rồi chụp hình khoe lên mạng xã hội” - chị Mỹ thích thú.
Những sản vật “cây nhà lá vườn” như sơ-ri được xem là điểm nhấn thú vị đối với lữ khách đặt chân đến Thoại Sơn. Đó còn là ký ức với những ai từng gắn bó với miền quê thuở bé.
Với lượng sơ-ri khá nhiều, một số hộ dân ở xã Định Thành đã chế biến thành rượu. Rượu sơ-ri có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, chống ô-xy hóa, rượu có vị ngọt nhẹ, dễ uống nên được nhiều người ưa chuộng.