Trong năm 2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra hơn 2 cuộc hội thảo, tập huấn...liên quan đến vật tư nông nghiệp, phân bón. Nếu chia cho các thôn, bon trên toàn tỉnh thì gần như thôn, bon nào cũng có ít nhất 1 cuộc hội thảo mỗi năm. Ấy nhưng không ít nông dân, người trồng cà phê vẫn "dính" phân bón, thuốc BVTV rởm như thường...
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra rất nhiều cuộc hội thảo, tập huấn do doanh nghiệp tổ chức liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người nông dân.
Hộ anh Trần Văn San (bên trái), ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) năm 2017 mua phải sản phẩm phân bón vi sinh lẫn nhiều tạp chất và có nguy cơ ảnh hưởng tới cây trồng của gia đình.
“Giật mình” với số lượng hội thảo
Trong năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của toàn tỉnh đạt hơn 320.000 ha, trong đó có khoảng 207.000 ha cây công nghiệp dài ngày (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu và cao su). Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2018, diện tích cây công nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là diện tích cà phê và tiêu. Dự kiến, tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 217.000 ha.
Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 450 điểm kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV và khoảng 500 điểm kinh doanh phân bón. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 300 tấn thuốc BVTV các loại và khoảng 600.000 tấn phân bón hữu cơ (phân chuồng, phân vi sinh, phân sinh học) và phân vô cơ (đạm, lân, kali, NPK...). Nhìn chung, nông dân trong tỉnh sử dụng thuốc BVTV và phân bón còn chưa đúng kỹ thuật, chưa hợp lý, chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đất đai, nguồn nước và chất lượng nông sản. |
Diện tích cây công nghiệp lớn nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh hàng năm là rất nhiều. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiện toàn tỉnh có 4 công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đang hoạt động.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội thảo, tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn người dân sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Trong năm 2017, có 81 doanh nghiệp đăng ký tổ chức hội thảo tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, quảng cáo thuốc BVTV...
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV thì trong năm 2017, đã có 792 cuộc hội thảo diễn ra tại 8 huyện, thị xã với gần 35.000 lượt người dân tham dự. Các cuộc hội thảo tập trung chủ yếu ở các thị trường “tiềm năng” do có diện tích cây công nghiệp lớn như: Đắk Song (159 cuộc), Đắk Mil (138 cuộc), Đắk R’lấp (136 cuộc)...
Như vậy trong năm 2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh diễn ra hơn 2 cuộc hội thảo, tập huấn... liên quan đến vật tư nông nghiệp. Nếu chia cho các thôn, bon, bản thuộc 71 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thì gần như thôn, bon nào cũng có ít nhất 1 cuộc hội thảo mỗi năm. Số lượng tưởng chừng như “giật mình” này lại tỏ ra khiêm tốn nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, toàn tỉnh diễn ra 858 cuộc hội thảo trong năm 2014, 1.209 cuộc trong năm 2015 và năm 2016 diễn ra 840 cuộc.
Anh Trần Văn San, ở xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) phản ánh một sản phẩm phân bón vi sinh lẫn nhiều tạp chất và có nguy cơ ảnh hưởng tới cây trồng của gia đình.
Bất cập trong quản lý
Số lượng cuộc hội thảo, tư vấn, giới thiệu vật tư nông nghiệp tăng nhưng chất lượng lại không theo tỷ lệ thuận ấy. Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT), mật độ các cuộc hội thảo được tổ chức quá nhiều dễ khiến người dân bị “nhiễu” thông tin. Nhiều đơn vị chủ yếu bán hàng bằng việc tổ chức hội thảo, tiếp thị, khuyến mãi dễ khiến người nông dân bị “bội thực” thông tin và dẫn tới việc mua phải vật tư kém chất lượng, lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra không ít vụ việc người dân kiến nghị, phản ánh về việc cây trồng bị chậm phát triển hoặc chết sau khi sử dụng một số loại phân bón, thuốc BVTV. Điều đáng nói là có nhiều trường hợp cây trồng bị ảnh hưởng sau khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV mua tại các cuộc tập huấn, hội thảo, giới thiệu sản phẩm. |
Trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) và các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, quá hạn sử dụng... Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy hàng chục tấn vật tư nông nghiệp quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, dù cơ quan chức năng xử lý mạnh tay đến đâu thì vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị thiệt hại nặng nề, thậm chí lâm vào “nợ nần chồng chất” do không may mua và sử dụng phân bón, thuốc BVTV nhập lậu, giả hoặc kém chất lượng.
Một thực tế là dù các cuộc hội thảo, tập huấn liên quan đến vật tư nông nghiệp diễn ra dày đặc nhưng không thể không cấp phép. Ông Nguyễn Tuấn Khải chia sẻ: “Theo Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phân bón, Sở Nông nghiệp - PTNT là đơn vị cấp phép cho việc tổ chức hội thảo phân bón. Nếu các đơn vị có đầy đủ giấy tờ, tài liệu đăng ký tổ chức hội thảo theo quy định thì Sở buộc phải cấp phép tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thẩm quyền dừng các cuộc hội thảo đã được cấp phép trong trường hợp phát hiện đơn vị tổ chức quảng cáo sai sản phẩm đăng ký hoặc tổ chức sai thời gian.”
"Trong điều kiện thông tin bị “nhiễu”, người nông dân cần phải sàng lọc thông tin và cân nhắc khi mua sản phẩm thuốc BVTV hoặc phân bón. Người dân nên lựa chọn những sản phẩm vật tư nông nghiệp uy tín, có thương hiệu trên thị trường. Đối với những sản phẩm chưa có thương hiệu, uy tín nhưng có giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mãi, người dân nên tham khảo, tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng để tránh phải “trả giá đắt”, ông Nguyễn Tuấn Khải. |