Anh Mai Xuân Thịnh ở thôn Chằm, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương quyết định bỏ việc ngân hàng để về sản xuất các sản phẩm NNHC.
Anh Thịnh và các cộng sự đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng rau hữu cơ
Chi phí bỏ ra lớn, dễ gặp rủi ro nên nhiều người không dám đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Ấy thế nhưng anh Mai Xuân Thịnh (sinh năm 1982) ở thôn Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) lại quyết định từ bỏ công việc tại một ngân hàng để về sản xuất các sản phẩm NNHC.
Bắt đầu trước khi quá muộn
Anh Mai Xuân Thịnh từng là kiểm soát viên tại Phòng giao dịch huyện Tứ Kỳ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Dương. Công việc đã cho anh cơ hội đi nhiều nơi trong nước. Tại nhiều địa phương, anh thấy những vùng đất "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ hoang do nhiều lao động, nhất là lao động trẻ không còn hứng thú với sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn lại đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh. Từ đó, anh Thịnh bắt đầu nuôi ý tưởng xây dựng một mô hình NNHC để tận dụng quỹ đất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Anh Thịnh đã đi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp sạch trên cả nước. Anh nhận thấy nhiều mô hình nông nghiệp vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... Nông sản từ các mô hình này chỉ bảo đảm được cách ly các hóa chất độc hại đúng thời gian quy định trước khi đến tay người tiêu dùng. Cách sản xuất này dù không gây hại cho sức khỏe người sử dụng nhưng vẫn ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Thậm chí có nhiều vùng đã được chứng nhận sản xuất theo các quy trình bảo đảm an toàn, chất lượng nhưng thực tế sản xuất lại phó thác cho nông dân mà không có quy trình kiểm soát chặt chẽ, vì thế sản phẩm khó khẳng định là an toàn. "Càng tìm hiểu, tôi càng quyết tâm thực hiện một mô hình NNHC thực sự để sản xuất ra những sản phẩm sạch, hạn chế ảnh hưởng xấu tới môi trường", anh Thịnh chia sẻ.
Từ ý tưởng đến khi bắt tay vào thực hiện không hề đơn giản. Rào cản lớn nhất của anh Thịnh lúc đó là áp lực từ gia đình. Mẹ anh trước đây cũng công tác trong ngành ngân hàng nên không muốn anh bỏ công việc ổn định hiện tại. "Mẹ lo tôi làm nông nghiệp sẽ rất vất vả, không ổn định. Nhiều người khác thì cho rằng tôi dở hơi khi bỏ công việc nắng không đến mặt, mưa không đến đầu để chuyển sang làm nông nghiệp. Bỏ việc tôi cũng tiếc lắm, nhưng nếu không bắt đầu ngay, tôi sợ mình sẽ không làm được trước 40 tuổi", anh Thịnh cho biết.
Gian nan khởi nghiệp
Quyết định rẽ sang con đường mới khi đã gần 40 tuổi, anh Thịnh gặp rất nhiều khó khăn. Lúc chia sẻ ý tưởng để tìm kiếm người góp vốn đầu tư, anh Thịnh được nhiều người ủng hộ. Nhưng sau đó nhiều người lại không dám đầu tư vì e ngại lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều yếu tố rủi ro. Với quyết tâm thực hiện ý tưởng đến cùng, sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng anh đã được gia đình, bạn bè ủng hộ. Cuối năm 2015, anh Thịnh thuê 7.000 m2 đất tại thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) để chuẩn bị sản xuất theo quy trình NNHC.
Anh Thịnh cùng một số cộng sự thân thiết đã thành lập Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HDGreen, anh làm Giám đốc. Tham khảo nhiều địa chỉ, anh quyết định hợp tác với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Để chủ động về mặt kỹ thuật, anh Thịnh thuê thêm 1 kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm để tư vấn, kiểm soát các quy trình sản xuất. Từ năm 2015 đến đầu năm nay, anh Thịnh đã xử lý đất bằng cách để cỏ mọc tự nhiên, sau đó xới đất nhiều lần để tiêu diệt cỏ dại, giúp đất tơi xốp, biến cỏ dại thành chất dinh dưỡng. Đây cũng là thời gian đất được nghỉ ngơi để thải độc sau nhiều năm bị phun các loại hóa chất độc hại.
Đầu tháng 3 năm nay, anh cho khởi công xây dựng 1.700 m2 nhà màng và 5.000 m2 nhà lưới với chi phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Nhà màng của anh có chiều cao 4 m, nhà lưới cao 2,5 m, đều được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Hệ thống nước tưới được xử lý qua bể lọc. Tháng 7 vừa qua, anh chính thức nghỉ việc tại ngân hàng để tập trung vào công việc mới. Từ tháng 8, anh trồng thử nghiệm rau cải, dưa chuột, rau bí trong nhà màng. Do thiết kế của nhà màng kín tất cả các phía nên các loại bướm, sâu bệnh không gây hại được. Ngoài ra, anh sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để hạn chế sâu bệnh, nên không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do quy trình trồng khép kín, rau trồng trong nhà màng, nhà lưới có tốc độ sinh trưởng nhanh nên thời gian trồng 1 lứa rau chỉ từ 25-30 ngày, năng suất cao hơn rau trồng ngoài ruộng từ 30-40%. Sau khi trồng thử nghiệm trên diện tích nhà màng, anh Thịnh tiếp tục trồng rau trong nhà lưới và năng suất thu được cũng tương đối cao. Ước tính mô hình nhà màng, nhà lưới của anh Thịnh sẽ cho thu hoạch 80 tấn rau, củ, quả/năm. Đến nay anh Thịnh đã ký hợp đồng cung cấp rau hữu cơ cho hơn chục đơn vị như các Trường Tiểu học: Phương Hưng, Toàn Thắng (Gia Lộc), Trường Mầm non Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương)... Đối với các trường học, anh Thịnh ưu tiên cung cấp rau hữu cơ với giá giảm từ 10-20% so với giá cung cấp cho các đơn vị khác. Hiện nay, sản phẩm rau trồng trong nhà màng, nhà lưới của anh Thịnh đang được Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ lấy mẫu kiểm tra để chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Dù sản phẩm rau hữu cơ đã đến được bàn ăn của người tiêu dùng với nhiều phản hồi tích cực, nhưng trước mắt anh Thịnh còn rất nhiều khó khăn. "Nông dân Việt Nam đã quen với cách sản xuất sử dụng các hóa chất độc hại vừa nhanh, vừa tiện nên để thay đổi thói quen của họ không hề đơn giản. Thời gian tới, tôi dự định đầu tư thêm 1 nhà màng để sản xuất rau hữu cơ, nhưng phải tìm được lao động tôi mới có thể triển khai dự định này", anh chia sẻ. Khó khăn thứ hai của anh Thịnh hiện nay là kinh phí để duy trì sản xuất. Hiện chi phí sản xuất rau hữu cơ trong các mô hình từ 60-70 triệu đồng/tháng. Số tiền này anh Thịnh vẫn phải tự xoay xở trong khi nguồn thu chưa nhiều.
Ông Lê Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: "Mô hình sản xuất của anh Thịnh là một trong những mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại tỉnh ta. Đây là hướng đi mới trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân".