Bị nước ngoài, đặc biệt là thương lái Trung Quốc, chi phối thị trường khiến nghề nuôi cá sấu rơi vào tình cảnh èo uột.
Nguyên nhân do việc phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, thậm chí là “gà nhà đá nhau”, thiếu đầu tư dẫn đến lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Liên kết nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cá sấu trên thị trường” do Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP HCM tổ chức ngày 15-11.
Tiểu ngạch bấp bênh
Theo ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM, cá sấu là vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, khoảng 3,6 tỉ đồng/ha/năm (giá trị sử dụng đất nông nghiệp trung bình của TP HCM chỉ gần 400 triệu đồng/ha/năm), tổng đàn cá sấu trên địa bàn gần 144.000 con. Tuy nhiên, trong 6 năm qua, số hộ nuôi cá sấu giảm dần theo từng năm, hiện còn 42 tổ chức và cá nhân, chủ yếu là do những hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng điều kiện về chuồng trại hoặc bí đầu ra nên không trụ lại. Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) chế biến chưa tạo được sản phẩm có giá trị gia tăng cao nên thường bán rẻ hơn các nước trong khu vực dẫn đến xu thế mua giá nguyên liệu từ người nuôi thấp.
Nghề nuôi cá sấu đang gặp khó do lệ thuộc thị trường. Ảnh: LINH CHI
Ông Tôn Thất Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà, nhận định thị trường cá sấu hiện nay đã bị “giao trứng cho ác” khi thương lái nước ngoài trực tiếp vào từng hộ để thu mua. Vì vậy, giá cá sấu bị đẩy lên đỉnh vào năm 2014 với mức 230.000 đồng/kg, bắt đầu tụt dốc từ năm 2015 và rớt xuống còn 60.000-70.000 đồng/kg hiện nay. Chưa kể, khi nắm được việc tồn kho tại thị trường Việt Nam, khách hàng Nhật, châu Âu cùng đánh tụt hạng chất lượng để hạ giá da muối xuống 20% (loại 2), 40% (loại 3).
Dù gặp khó nhưng ngành cá sấu tại TP HCM cũng đỡ hơn các tỉnh. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Lộc, cả nước hiện tồn khoảng 500.000 con cá sấu thương phẩm. Việc trữ cá sấu sống rất khó khăn nên cần tính đến việc liên kết nguồn lực để mổ cá sấu tồn trữ da và thịt đông lạnh nhằm gỡ khó cho người nuôi. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nga, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi kinh doanh cá sấu Tồn Phát, cho rằng nơi có nhà máy thuộc da cá sấu thì nên tính toán kỹ vì tồn trữ sẽ tồn vốn và liệu chất lượng hàng tồn trữ có còn bảo đảm?
Chính ngạch cũng khó
Cá sấu nước ngọt là động vật hoang dã quý hiếm được xếp vào phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), do vậy, việc xuất khẩu phải chịu sự quản lý của tổ chức CITES. Hiện tại, TP HCM có 4 trại nuôi đạt chuẩn CITES nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng 50% năng lực do còn phụ thuộc vào hạn ngạch nhập khẩu của đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, ông Thái Truyền, đại diện Cơ quan CITES phía Nam, cho biết trong giai đoạn 2002-2015, xuất khẩu cá sống của các trại CITES đi Trung Quốc chiếm tới 99,6%.
Đại diện Công ty Hiệp Thành, chuyên sản phẩm thời trang từ da cá sấu, cho biết một số khách du lịch Mỹ, Nhật mua hàng của công ty kèm giấy “CITES cầm tay” nhưng khi về nước bị hải quan giữ lại trong khi mua sản phẩm tương tự của Thái Lan lại không sao. Khi gặp trường hợp này, công ty phải xin xác nhận từ CITES để gửi cho khách giải tỏa hàng rất vất vả. Phản hồi về vướng mắc này, ông Thái Truyền cho biết sẽ làm việc với CITES Nhật vì yêu cầu của nhà chức trách không đúng theo quy định của quốc tế. Một DN cũng gặp tình huống tương tự cho biết sẽ ghi thêm mã số trại nuôi vào “CITES cầm tay” để khách hàng dễ chứng minh nguồn gốc với nước sở tại.
Ông Ngô Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Ngô Võ, cho biết DN ông đã xuất khẩu được cá sấu sống đi Pháp, Nga, Đan Mạch, mỗi năm từ 40-50 con và nhận thấy tiềm năng của những thị trường này còn rất lớn, đặc biệt là Nga, không kém thị trường Trung Quốc. “Để thâm nhập thị trường này, trước hết phải bảo đảm phúc lợi cho cá sấu. Cá từ trại CITES, đóng thùng phải làm sao cho cá thoải mái, cá dài 3,2 m thì đóng thùng phải 3,5 m. Tôi đã từng bị phạt và bắt đóng thùng lại chỉ vì con cá bị cong đuôi một chút. Đặc biệt là quá trình làm việc phải giữ chữ tín. Lô đầu tiên chất lượng được khách đánh giá tốt thì lô sau phải làm y như vậy rồi đối tác sẽ giới thiệu thêm khách hàng cho mình” - ông Ánh nêu kinh nghiệm.
Khó liên kết, vì sao?
Theo ông Ngô Ngọc Ánh, hiện nay các DN nhập da cá sấu về chế biến xuất khẩu rất nhiều trong khi Việt Nam có nguyên liệu cá sấu tại chỗ, lợi thế về vận chuyển lại không kết nối được. Tuy nhiên, để sản xuất mặt hàng này cần cá sấu chất lượng cao, da đẹp nên cần đầu tư từ chuồng trại đến thuộc da mới bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.
Trước sự yếu thế của nghề nuôi cá sấu Việt Nam, năm 2010, nhiều DN, người nuôi đã có mong muốn thành lập hiệp hội cá sấu Việt Nam nhưng không thành công do không đủ số lượng 100 hội viên theo quy định. Một số người trong nghề cho rằng vẫn còn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau dẫn đến sự liên kết gặp khó. Người chăn nuôi vẫn còn gặp khó khi tiếp cận tín dụng do hạn mức cho vay thấp.
|
.org/Person">Theo Ngọc Ánh (Người lao động)