Search
Thứ 4, 21/11/2018, 15:35 PM

Cả làng giàu sang nhờ giống bưởi cổ tiến Vua trăm tuổi

Cả làng giàu sang nhờ giống bưởi cổ tiến Vua trăm tuổi

Bưởi Đại Minh (hay còn gọi bưởi “tiến Vua”) là giống bưởi ngon, từ lâu đã nổi tiếng trong vùng. Nhiều năm trở lại đây, cây bưởi Đại Minh trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao cho người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Giống bưởi quý

Theo lời kể của già làng thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, cây bưởi Tổ ở làng Khả Lĩnh đã có cách đây khoảng gần 300 năm. Hiện tại, xã Đại Minh còn một số cây bưởi cổ có tuổi đời khoảng trên 100 năm, năm nào cũng đơm hoa, kết trái. Có lẽ không nhiều người biết rằng, Đại Minh từng là địa giới thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nên thực chất giống bưởi Đoan Hùng danh tiếng đã được nhân giống từ chính gen quý của bưởi Đại Minh.

 ca lang giau sang nho giong buoi co tien vua tram tuoi hinh anh 1

Nhờ trồng Bưởi nhiều hộ dân xã Đại Minh đã thoát nghèo. Ảnh Hoàng Hữu

Bưởi Đại Minh không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, mà còn có vị ngọt mát, vỏ mỏng, mỗi quả bưởi chỉ nặng từ 0,8-1,2kg. Sau thu hoạch, bưởi Đại Minh có thể bảo quản và ăn dần trong 6 - 7 tháng, nên loại đặc sản của Yên Bái này được nhiều người ưa chuộng. Mỗi năm, hàng triệu quả bưởi Đại Minh đưa ra thị trường đều được tiêu thụ hết.

Hằng năm, từ tháng 9 – 11 âm lịch là thời gian thu hoạch bưởi. Vào thời gian này, tại các vườn bưởi Đại Minh đều tấp nấp, nhộn nhịp người và xe, vận chuyển bưởi đi tiêu thụ. Nhờ trồng giống bưởi địa phương mà người dân xã Đại Minh vươn lên thoát nghèo, gia đình khấm khá hơn. Các vườn bưởi đều được thương lái ở các tỉnh thành trên cả nước đến đặt mua cả vườn khi chuẩn bị vào mua thu hoạch. 

Năm 2017, giá bán bưởi ổn định, ở mức cao, đối với bưởi ngon loại 1 bán với giá từ 25-30.000 đồng/quả, bưởi loại 2 bán với giá từ 10-15.000 đồng/quả, bưởi loại 3 dưới 10.000 đồng/quả. Theo người dân nơi đây, 80% các hộ gia đình đều sống nhờ vào cây bưởi. Với giá khoảng từ 2-3 triệu đồng/cây, thậm chí có cây bưởi cho 600 quả với giá trị 6 triệu đồng, đời sống của người dân xã Đại Minh ngày càng khấm khá. 

“Làm chơi ăn thật”

Ông Trần Quang Khải (61 tuổi), trú tại Thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái, :  "Nó là cây thoát nghèo, là cây đem lại thu nhập chính cho gia đình nên dù đã trồng mấy đời, chúng tôi cũng không bỏ. Sắp tới, gia đình chúng tôi còn tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích trồng cây nữa" ông Khải nói.

Hỏi về cây bưởi, ông Khải sôi nổi hẳn lên, thao thao bất tuyệt: "Tôi hiểu tập tính, cách chăm sóc cây bưởi như con mình vậy. Rồi làm thế nào để cây cho ra quả ngon nhất, tôi cũng biết rõ. Chăm sóc cây bưởi không quá khó khăn. Trước khi trồng mấy tháng thì bón phân lót trước, sau khi cây bén rễ thì chăm sóc, tưới nước bình thường, khoảng 3 năm cây bắt đầu bói quả. Làm chơi mà ăn thật cháu ạ!" 

Ông Khải cho biết, hiện nay gia đình ông có khoảng 50 gốc bưởi, dù chỉ có 2 vợ chồng ông chăm sóc số bưởi này, nhưng mỗi năm cũng thu gần 100 triệu đồng. 

 ca lang giau sang nho giong buoi co tien vua tram tuoi hinh anh 2

Gốc bưởi cổ trên 100 tuổi trong vườn nhà ông Trần Quang Khải. Ảnh Hoàng Hữu         

Có điều kiện thuận lợi hơn hơn, có sức khỏe, có nhân lực, diện tích đất lớn nên gia đình anh Nguyễn Văn Định, ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh trồng được trên 100 gốc bưởi. Cũng như ông Khải, anh Định cho hay, trồng cây bưởi Đại Minh không tốn nhiều công sức, nhưng khó khăn khi đến mùa thụ phấn cho cây. Tuy hoa bưởi là hoa lưỡng tính, có thể tự thụ phấn, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của khí hậu, thuốc BVTV nên các loại côn trùng thụ phấn giảm đi, bởi vậy cần phải có sự tác động bằng các biện pháp để "bắt" bưởi kết trái.

“Hiện với trên 100 gốc bưởi, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho trên 10 lao động tại địa phương," Anh Định chia sẻ.

 ca lang giau sang nho giong buoi co tien vua tram tuoi hinh anh 3

Anh Nguyễn Văn Định trong vườn bửi của gia đình. Ảnh: Hoàng Hữu

Và những định hướng dài hơi

Giống bưởi Đại Minh vốn được mệnh danh là bưởi "tiến Vua", múi bưởi căng mọng, ăn ngọt, phần tôm và phần vỏ của múi khi bóc rất dóc, ăn không bị he. Tuy nhiên, hơn 10 năm về trước, cây bưởi ở Đại Minh thực chất chỉ là loại cây được trồng chơi, lấp chỗ trống trong vườn.

Người dân Đại Minh thường chỉ hái ăn và biếu khách, không đầu tư chăm sóc nên tỷ lệ đậu quả thấp, tôm bưởi khô, kém mọng nước, độ ngọt không cao, năng suất và chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp. Bưởi mất mùa hay được mùa không mấy ai quan tâm, nên có nhiều hộ gia đình chặt bỏ cây bưởi, chuyển sang trồng chè và cây lâm nghiệp khác.

 ca lang giau sang nho giong buoi co tien vua tram tuoi hinh anh 4

Bưởi được thương lái thu mua. Ảnh: Hoàng Hữu

Trước thực trạng đó, năm 2007, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho các hộ dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh, bón tổng hợp cân đối các loại phân, đặc biệt là việc thụ phấn, dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho hoa bưởi ngọt. Từ đó, năng suất cũng như chất lượng của bưởi được tăng lên.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Đại Minh”. Đây được xem là bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết,Toàn xã Đại Minh hiện có trên 200ha bưởi, mỗi năm đem lại gần 50 tỷ đồng thu nhập cho người dân. Diện tích bưởi được trồng ở 14/15 thôn của xã, xã có 900 hộ gia đình thì có trên 80% hộ trồng bưởi. Nhờ bưởi mà xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016. Hiện xã tiếp tục được UBND tỉnh Yên Bái chọn là 1 trong 5 xã xây dựng nông thôn kiểu mẫu của tỉnh. “Cũng từ cây bưởi mà sau 5 năm tỷ lệ hộ nghèo của xã Đại Minh giảm từ 20% xuống còn 5%," Phó chủ tịch UBND xã Đại Minh phấn khởi cho biết.

Trong thời gian tới, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) tiếp tục mở rộng quy mô và tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng 20 ha vườn kiểu mẫu. Xã tăng cường phối hợp với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài sản xuất bưởi hữu cơ (trong năm 2018) và trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên thực hiện đề tài sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP (giai đoạn 2018-2020).

 ca lang giau sang nho giong buoi co tien vua tram tuoi hinh anh 6

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó chu tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: Hoàng Hữu

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) cho biết, hiện huyện Yên Bình có hơn 1.400ha cây ăn quả, trong đó có trên 800 ha cây ăn quả có múi. Huyện đã tạo được vùng trồng bưởi đặc sản Đại Minh với trên 450ha, trong đó tập trung nhiều tại hai xã Ðại Minh và Hán Ðà với diện tích 300ha, còn lại ở các xã khác. Huyện Yên Bình đang xây dựng vùng hàng hóa cây ăn quả có múi, trong đó bưởi là cây chủ lực, ngoài ra còn có cam, quýt, chanh.

"Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương, tỉnh và các trường Đại học để xây dựng dự án xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Đại Minh”. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng bưởi, bằng các giải pháp áp dụng tiến bộ KHKT, duy trì nhãn hiệu tập thể đã được công nhận," ông Nguyễn Đức Điển cho biết.

Theo danviet.vn



0.24275 sec| 1553.797 kb