Dự kiến, khi nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đi vào hoạt động, số lượng lớn trứng gia cầm trên địa bàn sẽ được Công ty TNHH Ba Huân bao tiêu trọn vẹn. Đây là tin vui với nhiều người chăn nuôi ở Thủ đô và vùng phụ cận.
Giải bài toán đầu ra, vùng nguyên liệu
Đóng gói sản phẩm trứng sạch tại Công ty Ba Huân. Ảnh: Ngọc Thọ
Hiện đang có hàng ngàn nông dân tham gia vào dây chuyền chăn nuôi an toàn sinh học, trong chương trình liên kết 4 nhà của Công ty Ba Huân (gồm nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước). Mô hình liên kết này giúp người nông dân được hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, được bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Sản phẩm của nông dân làm ra được Ba Huân bao tiêu toàn bộ, từ đó giúp cho đời sống của bà con ổn định. |
Tại một hội thảo về kết nối chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm, báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố đã hình thành các xã, vùng chăn nuôi trọng điểm; xây dựng được các hợp tác xã chăn nuôi và chuỗi liên kết.
Đây là hướng đi đúng, giúp khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên - xã hội, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra lượng sản phẩm lớn, tính đồng đều cao, tạo thế mạnh trong hội nhập. Năm 2015, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 1.120 tấn thực phẩm; dự báo vài năm tới, riêng nhu cầu thịt gia súc, gia cầm đã 1.130 tấn/ngày, chưa kể trứng 3 triệu quả/ngày.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cũng chỉ ra những hạn chế lớn nhất của chăn nuôi gia cầm của Hà Nội là: Trại chăn nuôi gia cầm và sản xuất trứng thương phẩm quy mô lớn chưa nhiều, đa số nhỏ lẻ, xen trong khu dân cư; Năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chưa có thương hiệu uy tín; Tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả phụ thuộc thương lái; Giá đầu vào cao, đầu ra thấp; Liên kết sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, việc hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ chưa nhiều; Đầu tư lớn, rủi ro cao; thiếu vốn; vay vốn còn khó, nếu được vay thì mức thấp.
Nhìn nhận những thách thức này, ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội chia sẻ: Trước đại dịch cúm gia cầm H5N1 đầu năm 2000 làm lao đao nhiều doanh nghiệp trong đó có công ty ông, Ba Huân luôn trăn trở về một giải pháp cùng bà con vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm trứng. Sau nhiều ngày đau đáu tìm hiểu về giải pháp, công ty đã quyết định nhập về Việt Nam công nghệ xử lý trứng được xem là đứng hàng đầu thế giới: Hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan), giúp quy trình xử lý trứng gia cầm được tự động hóa 100%.
Công ty Ba Huân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mới theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến: Chuồng kín- mát, hiện đại, phù hợp với công nghệ tiên tiến hiện nay trong khu vực và quốc tế; đáp ứng tiêu chuẩn, tiết kiệm để nuôi gà cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, chất lượng cho thị trường tiêu dùng của nhân dân. Chính điều này đã giúp công ty vượt qua khủng hoảng của thị trường và đạt được bước phát triển như ngày hôm nay.
Theo ông Hùng, tới nay, công ty ông đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn bao gồm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18 ha, tổng đàn 1.000.000 con; nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên, Bình Dương; nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại Bình Chánh, TP.HCM; nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa, Long An.
Hiệu quả từ mô hình liên kết 4 nhà
Ông Hùng cũng cho biết, Công ty Ba Huân đang mở rộng đầu tư ra phía Bắc, xây dựng nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, sử dụng công nghệ cũng của Tập đoàn Moba (Hà Lan).
Ông Phạm Thanh Hùng cũng cho biết, giống như các trang trại khác trên cả nước, có những thời điểm, trang trại nuôi gia cầm phải vứt bỏ hàng ngàn, hàng vạn quả trứng vì không ai mua. “Mấu chốt là phải bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, được giá cho nông dân” – ông Hùng nói. Ông Hùng thông tin, khi nhà máy trên của Ba Huân đi vào hoạt động, công ty nhận trợ giúp kỹ thuật, giúp người chăn nuôi có sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn EU; đồng thời sẵn sàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm an toàn vệ sinh với điều kiện có hợp đồng giữa tập thể, cá nhân với công ty; khi giá thị trường xuống dưới giá thành sản phẩm, công ty vẫn giữ giá mua sao cho người chăn nuôi có lãi để tái sản xuất.
Cũng theo ông Hùng, quy trình xử lý trứng của Ba Huân trải qua các công đoạn: rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng, in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng khi cần, cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm. Với quy trình này, trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các công đoạn hoàn toàn vô trùng và tự động hóa 100%.
Theo Dân Việt