Vào vườn cam Canh của gia đình anh Hồ Văn Sỹ (thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh vườn cam Canh 1.000 gốc sai trĩu quả đang kỳ chờ thương lái vào hái.
Chia sẻ với PV về cơ duyên đến với nghề trồng cam Canh, anh Sỹ tâm sự: “Trước đây tôi trồng lúa, trồng ngô, nuôi lợn, gà. Do giá cả lên xuống thất thường nên hầu như toàn thua lỗ nên rất nản. Tình cờ tôi xem ti vi thấy bà con trồng cam Canh cho năng suất cao và lãi lớn nên cũng bắt đầu nảy sinh trong đầu nhiều ý tưởng”.
Theo anh Sỹ, khoảng năm 2012 - 2013, trong một lần tình cờ qua nhà bạn ở huyện Lục Ngạn (Chũ) tỉnh Bắc Giang chơi, anh rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở tỉnh bạn có nhà cao cửa rộng, đời sống khấm khá. Hỏi ra mới biết các hộ dân ở đây đều phát triển cây cam Canh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, anh mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và hỏi han những người có kinh nghiệm về giống cây ăn quả này.
“Sau đó, tôi bàn bạc với vợ cải tạo lại diện tích đất đồi dốc trồng ngô, cấy lúa, đất nương rẫy để trồng cam Canh phát triển kinh tế”, anh Sỹ nhớ lại.
Vườn cam canh sai lúc lỉu, bóng mượt xanh mướt sườn đồi nhà anh Sỹ.
Phải đến giữa tháng 10 Âm lịch, cam Canh mới vào mùa thu hoạch, nhưng PV không khỏi thích thú trước những trái cam xanh mươn mướt, căng mọng sai trĩu cành, trông vô cùng thích mắt. Theo anh Sỹ, so với các loại cây ăn quả khác như cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh cùng trồng trong vườn, 2,5ha cam Canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Ngoài cam Canh thì cam Vinh tại vườn nhà anh Sỹ quả cũng sai trĩu cành.
Anh Sỹ cho biết, trước kia bãi đồi dốc này là cây dại và cây bạch đàn thì giờ đây hàng năm, nghìn gốc cam Canh chín vàng, đỏ rực phủ kín khu đồi. “Tôi bàn với vợ con, đánh liều phá hết khu đồi bạch đàn để trồng thử 1.000 gốc cam Canh và hơn 100 gốc cam Vinh, vài chục gốc bưởi Diễn. Sau đó năm 2017, tôi mở rộng trồng thêm 1.000 cây bưởi da xanh. Thiên hạ có câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu, giờ mình không phải là giàu nhưng cuộc sống cũng khấm khá hơn”, anh Sỹ cười đùa.
Sau hơn 3 năm trồng, vườn cam Canh bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Vụ cam năm 2017, gia đình anh Sỹ thu 20 tấn cam, bán giao cho thương lái với giá 30.000- 35.000 đồng/kg mang về cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng.
“Tôi nhận thấy giống cam Canh cho thu nhập cao, đầu ra cho sản phẩm lại tương đối ổn định. Vì vậy tôi đầu tư thêm vốn liếng khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn”, anh Sỹ cho hay.
Vì cây sai trĩu cành rủ xuống đất, sợ bị gãy cành nên gia đình anh Sỹ - chị Huyền phải "chống gậy cho cây".
Nói về những khó khăn gặp phải, anh Sỹ chia sẻ, mới đầu trồng bao giờ cũng đầy gian nan và khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên cây chậm lớn, hay bị bệnh vàng lá và thối rễ. “Thời gian đó nhìn vườn cây bị hỏng bởi sâu, bệnh nhìn xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tôi mới có vườn cam Canh như bây giờ”, anh Sỹ nói.
Chị Huyền (vợ anh Sỹ) kiểm tra gậy chống cho cây cam tránh cây nặng quả mà gãy cành.
Theo anh Sỹ, hiện tại bình quân một gốc cam Canh anh thu hoạch từ 55 – 60kg. Hằng năm cứ đến mùa thu hoạch cam, các thương lái lại gọi điện trước rồi đánh xe tải vào tận vườn nhà anh thu mua. Từ lúc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đến giờ, cuộc sống của gia đình anh Sỹ - chị Huyền đã dư giả lên hẳn, đầu ra cho sản phẩm lúc nào cũng ổn định, có lúc gia đình còn thiếu hàng để cung cấp cho các thương lái.
Vườn cây ăn quả xanh mướt, khi quả chín vàng thì sáng rực cả 1 vùng đồi.
Hiện gia đình anh Sỹ có 7ha diện tích trồng các loại cây ăn quả. Riêng cam Canh và cam Vinh, anh ước tính sắp tới sẽ thu trên 25 tấn quả. Nếu giá cả vẫn ổn định từ 30.000 – 35.000 đồng/kg như mọi năm thì ước tính anh thu về trên 700 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sỹ còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo Mộc Trà (Dân Việt)