Nghiên cứu rồi lập trình, thử nghiệm nhiều phần mềm khác nhau, Nguyễn Đức Huy (Lâm Đồng) đã cho ra đời bộ điều khiển đặc biệt để chăm sóc vườn rau, mang lại năng suất gấp nhiều lần trồng theo phương pháp thủ công, truyền thống.
Dù có bằng thạc sĩ ngành công nghệ sinh học thực vật nhưng Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, Lữ Gia, TP.Đà Lạt) lại không thích làm việc ở cơ quan nhà nước mà về nhà làm nông và phát huy chính cái nghề mình đã học.
Năm 2013, Huy gom góp, vay mượn tiền và rủ anh em, bạn bè hùn hạp đầu tư thuê đất trồng các loại rau ăn quả, ăn lá theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, qua vài vụ đầu, kết quả không được như kỳ vọng, nên mọi người thấy nản rút lui hết, còn lại mình Huy vẫn tiếp tục với hướng đi đã chọn.
“Thị trường rau sạch rộng mênh mông, nhu cầu rau sạch ngày một tăng cao và xuất hiện thường xuyên trong bữa ăn của các gia đình, nhưng vì sao lại không thành công? Nghiên cứu, phân tích kỹ nguyên nhân, mình thấy rằng do kỹ thuật trồng chưa hoàn thiện, trong khi công nghệ thì đầu tư chưa tới và chưa chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực nên chất lượng sản phẩm chưa thật sự đạt, vì thế chưa được thị trường ưa chuộng” - Huy kể.
Đầu tư lại, Huy đặt niềm tin vào hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân theo công nghệ Israel. Tuy nhiên, lâu nay công nghệ này chỉ dừng lại ở mức bán tự động, mọi khâu đều phải có hẹn giờ, có người điều khiển... như vậy sẽ có thể xảy ra lỗi từ người điều khiển.
Làm sao tất cả những việc này đều hoàn toàn tự động, theo một dây chuyền nhất định mà con người không phải nhúng tay vào? Trên nền tảng kiến thức từ trường lớp và qua thực tế, Huy tiếp tục nghiên cứu, lập trình, viết phần mềm riêng, cho ra đời một bộ điều khiển riêng rồi áp dụng vào vườn rau của mình.
Hoàn toàn tự động
“Với công nghệ này, mọi thứ đều tuân theo một hệ thống nhất định, đồng thời được kết nối với máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone) và ở bất cứ nơi đâu, miễn có internet là mình giám sát được tất cả.
Hệ thống công nghệ sẽ tự phân tích, đánh giá rồi ghi dữ liệu về trời nắng hay mưa, nhiệt độ cao hay thấp, độ ẩm nhiều hay ít, cộng với những thông số về đường kính thân cây, chiều dài lóng cây, diện tích lá... được mình nhập vào, từ đó máy sẽ làm ra một thuật toán, rồi tự phân tích dữ liệu và đưa ra một giải pháp tối ưu để chăm sóc cây” - Nguyễn Đức Huy cho biết.
Cũng theo Huy, từ giải pháp tối ưu được đưa ra, máy sẽ tự động điều chỉnh pha phân, tự thiết lập lượng phân cần dùng, độ pH... rồi tự động tưới và điều chỉnh, mưa thì giảm, nắng thì tăng cho phù hợp chứ không cần con người ấn định giờ bật máy hay lượng nước tưới...
“Đặc biệt hơn, cuối mỗi ngày máy đều thực hiện “báo cáo công việc” cho mình những vấn đề như: ngày hôm nay tưới mấy lần, tổng lượng nước tưới là bao nhiêu, cây hấp thụ được bao nhiêu và thải ra bao nhiêu... Nhờ đó việc theo dõi, chăm sóc cây của mình rất dễ dàng, cây sinh trưởng và phát triển ra sao mình đều biết cả” - Huy nói thêm.
Từ ứng dụng này mà 5.000 m2 trồng rau sạch các loại của Huy cho năng suất cao gấp nhiều lần so với bình thường và chất lượng luôn được đảm bảo tốt, mang lại doanh thu không dưới 1 tỉ đồng/năm. “Giờ thì việc tiêu thụ sản phẩm mình không phải lo lắng gì cả, ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, chủ yếu tại TP HCM.
Ngoài 5.000 m2 này, mình còn hợp tác cùng bạn bè với tổng cộng 2 ha, sản xuất hơn 30 mặt hàng rau sạch các loại, vậy nhưng vào thời điểm này vẫn không đủ hàng cung cấp cho thị trường” - Huy tâm sự và cho biết sắp tới anh dự kiến thành lập hợp tác xã kiểu mới, vận động các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X tham gia vào chuỗi trồng rau sạch này.
“Mình sẽ chuyển giao công nghệ, nhập giống, phân bón, thuốc... về cung cấp cho các bạn sản xuất và mình lo đầu ra toàn bộ. Mình sẽ giúp các bạn có niềm tin để yên tâm sản xuất một cách bền vững”
Theo người lao động