Nhiều ngày qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, xuất hiện dịch châu chấu hoành hành tại các khu vực sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, trong đó nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Sơn La với hàng đàn châu chấu bay rợp trời.
Hàng đàn châu chấu như bão đang tàn phá sản xuất nông nghiệp ở Sơn La
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Sơn La thông tin, đây là loại châu chấu tre (có nơi còn gọi là châu chấu voi, mỗi con to bằng ngón tay cái hoặc chỉ nhỏ hơn chút, có đặc điểm khác với châu chấu lúa và không thể ăn được do bộ giáp cứng, mùi hôi).
Châu chấu tre vốn chỉ sống ở các rừng tre, ăn trụi lá tre, trúc, nứa, vàu, hóp... tuy nhiên gần đây chúng đã bắt đầu tràn xuống phá hoại các cánh đồng ngô, mía và lúa của bà con. Nơi bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Sốp Cộp – huyện biên giới giáp Lào.
Ông Nghị cho biết thêm, UBND tỉnh Sơn La đã họp bàn kế hoạch tiêu diệt đàn châu chấu này và mời các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật, Bộ NN- PTNT lên nghiên cứu, tư vấn giải pháp. Tuy nhiên do lượng châu chấu quá lớn, trải rộng hàng nghìn héc ta nên không thể phun thuốc diệt được và kể cả phun thuốc thì châu chấu cũng không chết nên cách hợp lý nhất là khoanh vùng, huy động bà con bắt và diệt thủ công.
Do lượng châu chấu quá lớn và rộng nên Sơn La vẫn chưa biết xử lý như thế nào
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho rằng, Viện đã nghiên cứu về dịch châu chấu ở các địa phương miền núi phía Bắc và đã khuyến nghị biện pháp xử lý. Đồng thời, Viện đã đề xuất Bộ KH-CN duyệt đề tài nghiên cứu về việc phòng, chống dịch chấu chấu nhiều năm nay nhưng chưa được phê duyệt.
Được biết, dịch châu chấu bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 nhưng hiện nay mới bùng phát mạnh. Sau rất nhiều năm, người dân Sơn La mới lại chứng kiến một lượng châu chấu khủng khiếp đến vậy.