Là dược sĩ cao cấp cho một tổ chức ở Hà Nội nên chị Nguyễn Thị Huyền rất quan tâm tới vấn đề an toàn, chất lượng. Trong một lần gặp gỡ TS. BS Hoàng Xuân Ba trò chuyện về dinh dưỡng và vi chất, chị Huyền nhận ra hiện thực phẩm trên thị trường không những thiếu các hàm lượng trên mà còn bị nhiễm nhiều hóa chất, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.
“Sau một thời gian trăn trở và tìm hiểu, năm 2013 tôi quyết định chọn mô hình trồng rau củ quả hữu cơ (organic). Một mặt để cung cấp cho chính gia đình mình, mặt khác cung ứng cho những người có nhu cầu”, chị Huyền nói
Cải bắp trồng theo phương pháp organic thường bị sâu phá hoại. Ảnh: Lovegarden.
Để bắt tay vào thực hiện mô hình này, chị Huyền thuê 2ha đất tách biệt ở Thanh Xuân (Hà Nội) trồng rau củ. Với mong muốn sản phẩm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và vi chất, chị thuê nhân công cải tạo đất, mang đất phù sa có kiểm định chất lượng về trộn với nhau để trồng rau. Bởi, theo chị, đất nông nghiệp của Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm canh tác và cũng đã khô cằn nên phải cải tạo để có chất đất tốt.
“Ban đầu tôi trồng thử nghiệm trên khoảng 5.000m2, cũng tìm hiểu khá kỹ về phân bón hữu cơ. Đặc biệt, tôi rất sợ phân bón hữu cơ có trộn rác không an toàn vì nếu như vậy sản phẩm bón cho cây sẽ tồn dư chất độc. Mặt khác, dù phân bón hữu cơ được ủ hoại mục 6-7 tháng thì những vi khuẩn, virus, nấm vẫn không thể chết hoàn toàn, có thể sẽ làm ảnh hưởng tới khu vườn. Do vậy, tôi luôn chọn cách cải tạo đất dựa trên những nguồn nguyên liệu thiên nhiên để đảm bảo độ an toàn cho vùng đất, do đó chi phí đội lên khá cao”, chị Huyền bộc bạch.
Về nhân lực, chị Huyền thuê cả kỹ sư nông nghiệp có thâm niên lẫn kỹ sư mới ra trường. Ngoài ra, mỗi đợt trồng và làm cỏ cho rau chị thuê khoảng 15-20 công nhân (tùy từng đợt); xây dựng hệ thống tưới tiêu, bao bì đóng gói chất lượng để sản phẩm làm ra bắt mắt.
Thời gian đầu, rau củ lên khá xanh tốt và cho thu hoạch nên dần dần chị Huyền mở rộng quy mô. Tuy nhiên, mọi thứ không như chị tưởng tượng, làm nông nghiệp khá phập phồng, đặc biệt việc sản xuất hữu cơ đòi hỏi đầu tư nhiều cả trong cải tạo đất, chọn giống, chăm sóc và nguy cơ thất thu luôn rình rập. Tới nay, chị Huyền đã bỏ tổng cộng 5 tỷ đồng để đầu tư nhưng vẫn chưa thể hòa vốn. 8 kỹ sư nông nghiệp làm việc cho chị cũng lần lượt ra đi vì quá nản khi nhìn vườn rau phập phù, có thể tan hoang chỉ sau một trận sâu.
“Có thời điểm thấy rau bị sâu tàn phá, các bạn kỹ sư xin phun thuốc trừ sâu sinh học được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ, nhưng tôi kiên quyết phản đối vì sản phẩm làm ra chất lượng sẽ giảm nên nhiều bạn cũng vì thế mà chán nản bỏ tôi ra đi dù lương vẫn nhận đầy đủ. Tuy nhiên, vì là người học trong ngành dược nên mọi thứ tôi luôn muốn làm sao cho sản phẩm đảm bảo và sạch nhất”, chị Huyền chia sẻ.
Một khó khăn tiếp theo khiến chị Huyền đau đầu là sản phẩm khó tiêu thụ vì giá thành cao. Nếu muốn có lãi thì phải bán rau ở mức giá cao gấp nhiều lần so với giá thông thường, thậm chí có loại cao gấp 10 lần.
“Tôi đã từng vui khi mồng tơi, dưa chuột... lên xanh tốt, tự kháng cự được sâu bệnh, sản lượng cao nhưng khi bán ra thị trường người mua lại chê giá đắt. Ban đầu tặng họ dùng thử thì khen ngon, nhưng khi bán họ lại chê đủ điều. Có những đợt tôi phải giảm giá 50-60% mới bán hết”, chị Huyền kể và cho biết thêm, với mong muốn có đầu ra tốt cho sản phẩm, chị giới thiệu đến mọi người, rồi tổ chức tham quan mô hình. Không ít các chủ nhà hàng lên vườn rau của chị đều khen rau ngon, sạch, đủ dinh dưỡng..., nhưng khi chuẩn bị thoả thuận hợp đồng, họ lại mặc cả mức giá tương đương giá của các quầy rau ngoài chợ tạm. Cụ thể, dưa chuột 7.000 đồng một kg, mồng tơi 4.000 đồng. Đây là một mức giá không tưởng vì sở dĩ khi trồng dưa chuột, chị Huyền phải chọn giống tốt, nhất là dưa chuột hạt lép, quy trình lại gắt gao, thời gian thu hoạch lâu nên nếu bán ra thị trường phải ở mức 60.000 đồng một kg. Do vậy, thỏa thuận như trên chị không thể đáp ứng nên hàng trồng ra chỉ bán được cho những người am hiểu về rau hữu cơ và sẵn sàng trả mức giá hợp lý.
Vài năm quan sát thêm khách hàng, chị Huyền nhận ra một điều lượng người có nhu cầu sử dụng rau hữu cơ thật sự không nhiều. Đa phần người Việt chấp nhận mua rau an toàn miễn là giá tốt. Sau nhiều năm vất vả mà vẫn chưa thu lại được đồng lãi nào, chị Huyền dự tính sẽ thu hẹp diện tích và chỉ trồng để phục vụ cho những người có nhu cầu thực sự.
“Sắp tới tôi sẽ khảo sát nhu cầu người dùng và chỉ chọn ra những khách hàng có nhu cầu thực sự. Tôi sẽ cam kết làm sản phẩm một cách tử tế đảm bảo đủ lượng hàng cho khoảng 300 khách ăn rau thường xuyên. Đây cũng là cách để tôi cắt lỗ, thảnh thơi hơn nhưng vẫn duy trì được đam mê làm rau sạch”, chị Huyền bộc bạch.
Để những người kế tiếp không đi theo "vết xe đổ" của mình, chị Huyền khuyên nếu muốn sản xuất hữu cơ, người đầu tư đừng quá kỳ vọng, đừng đổ hết tài sản vào mô hình này kiểu như “chơi” một canh bạc, vì việc thua lỗ luôn có thể xảy ra.
Còn nếu muốn kiếm sống từ mô hình này, phải biết được khách hàng của mình là ai, làm thế nào để tiếp cận đối tượng khách hàng ấy. Khi có đối tượng khách hàng rồi thì chỉ nên đầu tư quy mô sản xuất tương ứng với nhu cầu, đồng thời, cần có cam kết đầu ra với những đơn vị tiêu thụ một cách chắc chắn từ giá cả cho tới hình thức thanh toán.
Theo kinhdoanh.vnexpress.net