Cho mượn tiền thì dễ nhưng đòi lại nó thì quả thực là một chuyện không hề đơn giản, bởi dù người mượn đó là ai thì khi đòi nợ chúng ta cũng chẳng muốn mất lòng, vì đồng tiền mà sứt mẻ tình cảm.
Nếu muốn lấy lại được tiền mà vẫn “đẹp” mặt cả hai bên, thì bạn hãy nắm vững những bí quyết được trang Tri Thức Trẻ chia sẻ dưới đây nhé!
1. Nắm rõ thông tin liên lạc của người bạn cho mượn tiền
Trước khi cho ai đó mượn tiền, đặc biệt nếu là số tiền lớn thì điều đầu tiền mà bạn cần nắm là số điện thoại, địa chỉ, tốt nhất là tới tận nhà. Mục đích của việc làm này là để phòng hờ khi người đó biệt vô âm tín, bạn vẫn có thể đến tận nhà để hỏi han và xem xét tình hình, cùng lắm thì có thể nhờ người thân của họ giúp đỡ để tìm ra nơi ở hiện tại – tuy rằng không ai muốn điều này xảy ra.
2. Ký cam kết
Dù là bạn bè nhưng nếu mượn số tiền quá lớn thì vẫn cần phải ký cam kết cho mọi chuyện sòng phẳng. Thà là mất lòng trước, được lòng sau còn hơn là tin tưởng rồi mất luôn một người bạn vì xù nợ. Trong giấy thỏa thuận, hai bạn nên ghi rõ là mượn bao nhiêu? Ngày nào trả? Nếu đến hạn chưa trả được thì sẽ sử dụng những biện pháp gì?
3. Thể hiện sự quan tâm
Đã nhiều lần đòi tiền nhưng bạn vẫn chưa thấy bạn của mình hồi âm. Trong tình huống này có hai trường hợp xảy ra, một là người đó đã quyết định “xù”, hai là người đó thật sự không có tiền để trả.
Với trường hợp thứ hai, thay vì hăm dọa như “xã hội đen” hoặc báo công an như đúng luật, tốt hơn hết có lẽ vẫn là một thái độ nhẹ nhàng, hỏi thăm và thương lượng để tìm cách giải quyết.
Với cách làm này, bạn sẽ vừa nhắc khéo được người bạn của mình và cũng không làm mất lòng nhau. Còn các kiểu “đầu gấu” có thể giúp bạn lấy lại được tiền nhanh hơn nhưng cũng đồng nghĩa đẩy họ, và cả mối quan hệ của bạn, vào ngõ cụt không lối thoát.
4. Chia nhỏ khoản nợ và trả thành nhiều lần
Đây có thể coi là bước thứ hai sau khi thương lượng. Nếu người mượn tiền bạn không thể trả hết tiền trong một lần thì nên chia nhỏ khoản tiền đó, chẳng hạn thay vì trả một lần ba triệu đồng thì mỗi tháng bạn sẽ cho người đó chi trả ba trăm nghìn.
Bằng cách này, tiền thì vẫn ở đó và trước sau gì cũng xong. Có thể một số người cho rằng việc làm này quá lắt nhắt, mất công, nhưng suy nghĩ lại sẽ thấy đây là cách lấy lại được tiền tốt nhất, với cả đôi bên.
5. Dù lớn hay nhỏ thì bạn cũng không nên bỏ qua bất kì khoản nợ nào
Bạn có thể bỏ qua những khoản nợ nhỏ vì nghĩ rằng chẳng đáng là bao. Nhưng việc này rất không nên vì sẽ tạo những thói quen, tiền lệ xấu. Nếu không muốn tình cảm rạn nứt thì tốt nhất bạn nên rạch ròi mọi thứ, để sau này có mượn số tiền lớn thì cũng dễ lấy lại chứ không dông dài, dây dưa.
6. Vạn sự tùy duyên và hãy để tiền trôi đi như một bài học
Nếu bạn đã thử hết những cách trên nhưng không lấy lại được đồng nào thì xin chia buồn vì bạn đã gặp một người mắc nợ “siêu cấp”, và buông bỏ có lẽ là cách ít mệt mỏi hơn.
Coi như đây là “học phí” giúp bạn hiểu được rằng khi đụng đến tiền thì nên cẩn trọng vì nó có tác động rất lớn – trước hết là chi tiêu, thứ hai là mối quan hệ. Từ nay, khi cho mượn nợ, bạn cũng nên suy nghĩ và có lúc cũng cần cân đong đo đếm chút niềm tin, bạn nhé!